Tây Nguyên có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất cả nước

Theo thông tin từ Viện dinh dưỡng Quốc gia, Tây Nguyên có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất cả nước với 39%, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc

Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố số liệu điều tra mới nhất về tình hình suy dinh dưỡng trẻ em ở độ tuổi dưới 5. Theo đó, kết quả cho thấy công tác kéo giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đang gặp rất nhiều khó khăn và có dấu hiệu chững lại sau một số năm cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trong năm 2015 chỉ giảm nhẹ 0,4% so với năm 2014. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi trong năm 2015 cũng chỉ giảm 0,3% so với năm 2014.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, con số này có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, các vùng miền. Điều kiện kinh tế khó khăn tỷ lệ thuận với tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng.

Để chứng minh cho nhận định này, Viện dinh dưỡng đã đưa ra tỷ lệ cụ thể như sau: Ở khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ trẻ nhẹ cân là 22%, tỷ lệ trẻ thiếu chiều cao là 34%. Ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tỷ lệ trẻ nhẹ cân là 19,5%, tỷ lệ trẻ thiếu chiều cao là 30%. Đặc biệt, tỉnh Kon Tum có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất cả nước, chiếm hơn 39%.

Suy dinh dưỡng thấp còi có tên gọi khác là suy dinh dưỡng mãn tính. Hậu quả của thể suy dinh dưỡng này ảnh hưởng lớn đến thể lực, tầm vóc và sự phát triển trí tuệ trong tương lai của trẻ, thậm chí kéo dài qua thế hệ sau.

Trẻ thuộc nhóm có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là trẻ sinh non, suy dinh dưỡng bào thai (cân nặng dưới 2.500 gam khi thai đủ tháng), trẻ bị dị tật bẩm sinh, trẻ hay mắc bệnh tiêu hóa và hô hấp kéo dài, trẻ được nuôi dưỡng không hợp lý…

Cách quan sát đơn giản nhất để kiểm tra là quan sát chiều cao của trẻ khi được 3 tuổi. Nếu đạt 94,5 cm, trẻ sẽ tránh được nguy cơ suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Một số nguyên tắc quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng chiều cao, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi:

√ Sử dụng thực phẩm giàu canxi và các sản phẩm tăng cường canxi phù hợp với lứa tuổi của trẻ

√ Chú ý nạp lượng protein vừa phải, tránh bài xuất canxi qua nước tiểu

√ Ăn nhiều rau xanh giàu canxi như rau cải, rau bó xôi (rau bina), đậu khô, trái cây có múi (như cam, bưởi)

√ Hạn chế nước có ga và thức ăn nhiều muối

√ Tăng cường vận động thể chất ngoài trời

Bài: Hân Thái

Ảnh: Tuoitre

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua