Chị Kim Tước (Q.Tân Bình, TP. HCM) chia sẻ với Tiếp Thị Gia Đình: “Lúc con ở độ tuổi ăn giặm, tôi còn có thể xay nhuyễn rau và đút con ăn. Tuy nhiên, khi con lớn, bé chẳng chịu ăn rau nữa, chỉ có chút hành lá bé cũng nhả ra”. Việc tập bé ăn rau không thể tiến hành nhanh chóng mà phải trải qua một quá trình, ở mỗi giai đoạn sẽ có những cách tập ăn khác nhau.
1. GIAI ĐOẠN BÚ SỮA MẸ
Bạn mong muốn bé ăn rau quả để nạp đầy đủ chất dinh dưỡng? Vậy ngay từ giai đoạn cho con bú sữa mẹ, bạn đã phải chuẩn bị việc này. Ngoài những thực phẩm giàu protein, can-xi và sắt, bạn cần bổ sung vào thực đơn của mình những thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Luôn đảm bảo cung cấp cho cơ thể khoảng ba bát rau và hai ly sinh tố hoặc một đĩa trái cây mỗi ngày.
Cách tốt nhất để hấp thu chất dinh dưỡng từ rau quả là uống nước trái cây sau bữa ăn chính và bổ sung rau quả vào những bữa ăn phụ. Ví dụ như sau khi ăn sáng, bạn uống một cốc nước cam và một ít sinh tố cà rốt trước bữa trưa, ăn một quả táo hoặc chuối với bơ đậu phộng vào bữa xế chiều, thêm một phần rau xà lách trộn cà chua, thịt bò vào bữa ăn tối.
Bé yêu ở giai đoạn này chưa thể tự ăn được. Vậy tại sao bạn cần ăn rau quả? Bí quyết nằm ở sữa mẹ. Việc bú sữa mẹ sẽ giúp bé quen dần với mùi vị của rau quả và thích hương vị này. Bạn cần thay đổi thói quen ăn rau củ quả từ từ. Nếu không, mùi sữa sẽ thay đổi khiến bé không chịu bú.
2. GIAI ĐOẠN BÉ ĂN GIẶM
Giai đoạn này, bé không thích những thực phẩm cứng, dai hay lợn cợn. Nếu cho bé ăn những thực phẩm này, bé sẽ dễ trớ. Do vậy, bạn cần xay nhuyễn các loại rau củ quả cho bé ăn trong những tháng đầu ăn giặm. Chú ý đừng xay khi rau củ còn sống mà hãy luộc chín rồi xay hay tán nhuyễn. Làm như vậy, rau củ quả sẽ mềm và nhuyễn hơn. Sau đó lấy phần xay này để nấu bột.
Bạn nhớ lên sẵn thực đơn một tuần, luân phiên thay đổi cách chế biến và thực phẩm sao cho đa dạng. Tránh chọn rau quả khó tiêu (khoai môn, khoai sọ), vị đắng (mướp đắng, rau đắng), mùi hăng (cải cúc), nên chọn loại có vị ngọt tự nhiên như cà−rốt, bí ngô, quả su su, rau ngót, rau đay, mùng tơi và cải ngọt.
Khi đút bé ăn rau, bạn chú ý quan sát phản ứng của bé. Nếu bé nhăn mặt, nhíu mày ngay từ thìa đầu tiên, có thể món ăn mới của bạn không phù hợp khẩu vị bé. Khi đổi sang món ăn khác, ban đầu bé có thể chưa thích, bạn đừng nản lòng mà cần nhẹ nhàng khuyến khích, bé sẽ chịu ăn và từ từ yêu thích món ăn đó.
3. GIAI ĐOẠN BÉ TỰ ĂN
Khi 3−4 tuổi, bé biết tự ngồi vào bàn ăn. Lúc này, bé sẽ ăn theo sở thích của mình. Nếu la rầy, dọa nạt mà bé vẫn không ăn món mà bạn đã chuẩn bị thì hãy nghĩ đến việc thay đổi cách chế biến sao cho bắt mắt hơn hoặc trang trí cầu kỳ một chút.
Trẻ thường thích ăn rau quả mà chúng góp sức chăm sóc. Vì thế, hãy chọn những loại rau quả như cà chua, cải mầm, giá đỗ… trồng trong vườn nhà và cùng bé chăm sóc. Dần dần bé sẽ thích và thường xuyên ăn rau quả này.
Khi đi chợ hay siêu thị, bạn cho bé đi cùng và để bé thoải mái chọn rau mình muốn ăn. Lúc bé ăn rau quả, bạn đừng quên khen: “Con mẹ giỏi quá” hoặc tranh tài xem ai ăn hết phần rau đó trước tiên.
TẬP CHO BÉ ĂN RAU QUA MÓN BỘT TRỨNG CÀ – RỐT
Tiếp Thị Gia Đình hướng dẫn bạn cách nấu món bột trứng cà−rốt cho bé từ 6 tháng.
Nguyên liệu:
− 20g bột gạo (4 thìa súp)
− 1 lòng đỏ trứng gà
− 20g cà−rốt
− 1 thìa cà phê dầu ăn dành cho bé
− 200ml nước
− Nước mắm hoặc muối i−ốt.
Cách làm:
− Cà−rốt: gọt vỏ, nấu mềm, xay nhuyền.
− Trứng gà: đánh đều lòng đỏ.
− Cho bột vào ít nước khuấy tan đều, thêm phần nước còn lại, cà rốt, trứng. Bắc lên bếp khuấy đều tay, đến khi bột chín nêm ít nước mắm, muối, tắt bếp. Đổ bột ra bát, thêm 1 thìa cà phê dầu ăn trộn đều.
Tiếp Thị Gia Đình