Nghiên cứu của giáo sư Peiying Yang và các nhà khoa học Đại học Texas cho thấy tác động trực tiếp của lượng đường trong khẩu phần ăn và nguy cơ ung thư vú.
Các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm trên loài chuột, trong đó một nhóm cho ăn theo chế độ kiểm soát tinh bột và đường, trong khi nhóm kia được nuôi theo khẩu phần nhiều đường sucrose và fructose. Hàm lượng sucrose và fructose trong khẩu phần ăn của những con chuột được xác định theo chế độ ăn uống điển hình của người phương Tây hiện đại, với lượng lớn các loại đường tinh chế, chất béo bão hòa và thịt đỏ, cùng lượng ít trái cây tươi, rau quả và ngũ cốc.
Kết quả, sau 6 tháng tiến hành nghiên cứu, nhóm ăn nhiều đường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn đến 50−58% so với nhóm ăn kiêng. Hơn nữa, các nhà khoa học còn cho biết những con chuột ăn nhiều đường còn làm tăng tốc độ di căn sang ung thư phổi.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của hiện tượng này là do chế độ ăn nhiều fructose và sucrose làm tăng sản sinh hormone 12−lipoxygenase (12−LOX), một trong những hormone chính gây ung thư vú.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tìm ra các tác nhân gây ung thư vú là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa sự phát triển của căn bệnh này.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nghiên cứu này là một hồi chuông cảnh báo cho người dân và cả chính phủ các quốc gia có thói quen tiêu thụ nhiều đường và các sản phẩm từ đường. Từ đó đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế lượng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày để cải thiện sức khỏe.
Tiếp Thị Gia Đình