Tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ do khoai tây

Tiểu đường thai kỳ là nỗi lo của nhiều mẹ bầu hiện nay. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy ăn khoai tây làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

Một nghiên cứu của Mỹ trên 21.000 thai phụ cho thấy, ăn khoai tây hoặc khoai tây chiên thường xuyên trong tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân là do tinh bột trong khoai tây có thể kích hoạt sự gia tăng lượng đường trong máu.

Khoai tây là một trong những loại thực phẩm có chỉ số GI cao (chỉ số carbonhydrate ảnh hưởng đến lượng đường trong máu). Một số thức ăn có chỉ số GI cao giải phóng đường vào máu rất nhanh. Các loại thức ăn có chỉ số GI thấp thì cung cấp lượng đường đều đặn hơn. Các nhà nghiên cứu khuyên các mẹ bầu nên ăn chế độ ăn có chỉ số GI thấp sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.

tieu duong thai ky hinh anh 02

Khoai tây là một trong những nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ

Cuilin Zhang, trưởng nhóm nghiên cứu, thuộc Viện Y tế quốc gia ở Maryland, Mỹ, cho biết phát hiện này rất quan trọng. “Tiểu đường thai kỳ cũng có thể đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ tiền sản giật và tăng huyết áp trong thai kỳ. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi và về lâu dài các bà mẹ có thể có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong tương lai”.

Mặc dù vậy vẫn cần có nhiều nghiên cứu khác để có thể khẳng định mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường thai kỳ với chế độ ăn nhiều khoai tây. Điều chắc chắn các mẹ bầu có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường là kiểm soát cân nặng với chế độ ăn uống và vận động hợp lý.

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng có quá nhiều đường trong máu. Triệu chứng của bệnh là khô miệng, mệt mỏi và đi tiểu thường xuyên. Căn bệnh này có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn phù hợp và luyện tập thể dục đều đặn. Tuy nhiên một số thai phụ phải cần đến thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu.

Tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên trong một số trường hợp nó có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Nếu không được kiểm soát ở mức hợp lý và kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sinh non hoặc sẩy thai.

Bài: Tuyết Trần

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua