VÌ SAO CON NGƯỜI CÓ TÂM LÝ SỢ HÔN NHÂN?
Loại 1: Trở ngại trong tình cảm nội tại và những tổn thương tâm lý
Khi con người từng hết lòng tin tưởng và đầu tư cho mối quan hệ tình cảm và sau đó bị phản bội, hay bất cứ lý do nào mà không đi được đến kết cục mỹ mãn đều để lại những tổn thương khó hồi phục. Vết thương càng sâu, con người càng dễ sinh ra tâm lý sợ hôn nhân khi đứng trước quyết định gắn bó với một người. Họ không có niềm tin vào sự bền vững của tình cảm vợ chồng.
Ngoài ra, những người có bố mẹ ly hôn hoặc không có được tình thương và sự chăm sóc đầy đủ từ gia đình cũng dễ sinh ra tâm lý vừa sợ vừa kỳ vọng đối với hôn nhân. Tuổi thơ chứng kiến những bất hạnh trong cuộc sống gia đình khiến họ khó có được lòng tin và cảm giác an toàn, không thể xây dựng hạnh phúc lứa đôi một cách tích cực và bình thường như người khác.
Loại 2: Theo đuổi sự hoàn hảo
Nhiều người luôn theo đuổi một cuộc sống hoàn hảo. Họ đòi hỏi rất khắt khe về bản thân cũng như người xung quanh. Đứng trước thực trạng nhiều cám dỗ và tỷ lệ ngoại tình, ly hôn cao như xã hội hiện nay, bạn càng sợ hôn nhân vì cảm thấy không có ai đủ “tiêu chuẩn” và “an toàn” để có thể xây dựng hạnh phúc gia đình lâu bền. Tâm lý này khiến họ nhìn đâu cũng thấy khuyết điểm của người khác, cảm thấy đối phương không hợp và cự tuyệt những cơ hội. Họ có thể yêu nhưng vẫn tôn sùng sự tự do, đến giai đoạn phải nói chuyện kết hôn, họ thường do dự và ít khi sẵn sàng đưa ra cam kết.
Loại 3: Xung đột giữa sự tự do thảnh thơi với trách nhiệm của người trưởng thành
Không ít người cảm thấy việc trở thành vợ, thành chồng giống như phải “chuyển tiếp” từ cuộc sống được bảo bọc trong gia đình để gánh lấy trách nhiệm nặng nề hơn mà bản thân phải tự mình vượt qua. Đặc biệt là phụ nữ với nhiều trách nhiệm hơn, từ sinh con, nuôi dạy con, chăm lo chồng, bố mẹ chồng v.v…khiến nhiều người có tâm lý trốn chạy, thà lựa chọn cuộc sống độc thân nhưng ít gánh nặng hơn. Họ cũng biết sự thiêng liêng trong tình cảm vợ chồng nhưng lại thiếu dũng khí để bước vào cuộc sống hôn nhân.
TEST TÂM LÝ SỢ HÔN NHÂN
♥ Bất cứ mối quan hệ nào khi đến giai đoạn bàn tính chuyện hôn nhân, bạn đều trở nên căng thẳng, bất an, sợ hãi.
♥ Bạn cảm thấy đối tượng quen biết càng lâu thì càng không đáng tin hoặc có quá nhiều tật xấu (cảm giác này thường rất mơ hồ trước khi mối quan hệ trở nên sâu sắc hoặc bàn chuyện đại sự).
♥ Tâm trạng của bạn thường mất khống chế và cảm thấy đối phương không có cảm giác an toàn, thường cãi vã vì những chuyện không đâu.
♥ Trong đầu bạn luôn có những ý nghĩ muốn kết thúc mối quan hệ hiện tại.
♥ Bạn luôn sợ vai trò làm vợ (chồng), sợ phải đối mặt với mối quan hệ mẹ chồng − nàng dâu phức tạp và cả trách nhiệm gia đình. Với bạn, “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”.
♥ Bạn cảm thấy hôn nhân chỉ là sự trói buộc và gánh nặng khó kham nổi
♥ Bạn nghĩ rằng mình không thể nào có được hạnh phúc hôn nhân (một biểu hiện của tâm lý tự ti).
♥ Bạn không tin trên đời này có người đàn ông (phụ nữ) nào đáng tin cậy và không có cuộc hôn nhân nào an toàn.
Nếu bạn ở độ tuổi 27 trở lên và có từ 4 đặc trưng trở lên thì đây có thể là tín hiệu bạn đang rơi vào tâm lý sợ hôn nhân. Nếu tất cả các biểu hiện trên đều xuất hiện ở bạn, tốt nhất là bạn nên đến gặp chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ có kịp thời điều chỉnh, tránh kéo dài sẽ khó hòa nhập được vào cuộc sống hôn nhân và thiếu bản lĩnh cần thiết để vun đắp và giữ gìn tình cảm vợ chồng sau này.
Bài: Lê Phương
Tiếp Thị Gia Đình