Khi bạn cho hoặc nhận một cái ôm, tâm trạng của bạn trở nên vui vẻ, thoải mái hơn. Có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao điều này lại xảy ra không? Thực chất, tất cả đều có cơ chế khoa học riêng của nó?
Cái ôm có tác dụng gì đến não?
Hãy có một cái nhìn sâu hơn về những gì xảy ra trong cơ thể khi ai đó ôm bạn. Khi ai đó chạm vào bạn, các thụ quan bên dưới lớp da sẽ được kích hoạt. Các thụ thể xúc giác trong da sẽ báo tín hiệu tới các dây thần kinh phế vị của bạn.
Điều này rât tốt, bởi các dây thần kinh phế vị là một phần của não bộ có vai trò điều chỉnh huyết áp. Khi được ôm, huyết áp giảm giúp bạn cảm thấy bình tĩnh và thoải mái hơn.
Một nhân tố quan trọng khác đó chính là dopamine. Khi chúng ta ôm, não bộ sinh ra dopamine. Chất này hay còn được gọi là “hóc-môn hạnh phúc” bao gồm các cảm xúc: sung sướng, an toàn và hài lòng. Phát hiện này được đăng bởi tờ Developmental Review.
Ngoài ra khi ôm một ai đó, hormone oxytocin trong não cũng sẽ được giải phóng, khiến bạn cảm thấy yêu đời và hưng phấn hơn. Hóa chất này cũng kích thích cảm giác yêu mến, tin tưởng và gắn kết.
Những tác động tích cực này sẽ ngay lập tức xuất hiện sau khi ôm vài giây khiến chúng ta cảm thấy ít căng thẳng, hạnh phúc, nhẹ nhõm hơn. Theo một báo cáo trên trang Scientific Reports “ôm làm giảm đi lượng cortisol hay còn gọi là hóc-môn căng thẳng được giải phóng bởi cơ thể”.
Vậy khi cảm thấy lo lắng hay căng thẳng hoặc cần động lực, tại sao lại không đòi một cái ôm từ người yêu thương?
Kiệt Nguyễn theo Lifehack
Tiếp Thị Gia Đình