Tại sao họ hay chỉ trích và chê bai?

Từ mục đích ban đầu là nơi chia sẻ giữa những người bạn, Facebook đã trở thành "công đường" cho nhiều "quan tòa" luận tội việc nọ, người kia

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vừa khép lại, mạng Facebook đã rôm rả bàn luận về nhan sắc của tân hoa hậu. Bực mình với phong trào “ném đá” thường trực ở chốn lắm người xôn xao này, một chị nhà thơ đưa lên câu bình luận: “Sáng nay FB rần rần chuyện cô hoa hậu. Sáng giờ đọc dễ có tới vài chục cái stt chê bai, móc mỉa, xoi mói…Đa phần là chửi BGK đui, mù, lòa… Nhưng chả ai lấy hình BGK ra chửi mà cứ lôi hình ẻm ra. Tội nghiệp ẻm quá đi. Thôi, mình viết cái stt này rồi lấy hình mình ra minh họa dzậy. Đừng ai chê miệng mình móm, mắt mình lồi nhé”.

BỆNH “CHÊ” MÃN TÍNH

Theo định nghĩa trong tâm lý học, đó là cảm giác thôi thúc phải đưa ra ý kiến bài xích về bất cứ việc gì. “Khi gặp chuyện gì khác thường như người hàng xóm mới dọn đến hay một món ăn lạ, não bộ của chúng ta sẽ ngay lập tức đánh giá nó dựa trên một thước đo được xác lập theo tính khí cá nhân và có phần hiệu chỉnh từ kinh nghiệm thực tế. Ở những người mắc bệnh “chê” mãn tính, cái thước đo ấy luôn mắc kẹt ở phía tiêu cực. Họ mặc định với kiểu xỉa ngón cái xuống (chê) và nhất định không đổi chiều bất kể sự việc có bao nhiêu chi tiết tích cực”, chuyên gia tâm lý Alan Russell King, Đại học North Dakota, Mỹ, giải thích.

Một số người bẩm sinh có sẵn cơ chế ác cảm, còn một số khác do sớm bị đả kích thường xuyên mà hình thành cơ chế phòng vệ. “Công kích là một cách để xã hội không đụng đến mình”, Art Markman, nhà tâm lý ở Đại học Texas, cho biết.

Đặc biệt, có những người phát pháo phê bình để tạo ảnh hưởng. “Sức ảnh hưởng là quyền lực và những kẻ chê bai chính là người dẫn dắt thị hiếu, họ chỉ định những điều nên hoặc không nên thích cho người khác. Họ muốn được hoan hô và ngưỡng mộ vì những gì mình phát biểu”, Tomas Chamorro-Premuzic, một chuyên gia tâm lý thuộc Đại học New York ở London, Anh, nhấn mạnh.

XÃ HỘI HIỆN ĐẠI CỔ VŨ VIỆC CHỈ TRÍCH?

201510014_tamly_tai sao ho chi trich va che bai 2

Mạng xã hội làm những lời chỉ trích được phát tán nhanh hơn, xa hơn

Xã hội càng phát triển thì dường như phong trào chỉ trích càng leo thang. Nghiên cứu cho thấy trong bốn thập niên qua, chê bai là luận điệu phổ biến trên các kênh truyền thông và xã hội. Thật ra, theo Chamorro-Premuzic, trong xã hội nào cũng có một số người hay chỉ trích hơn người khác. Có điều là ngày nay những lời đả kích có thể phát tán nhanh hơn, xa hơn nhờ mạng Internet và hiệu ứng đám đông trên các mạng xã hội như Facebook.

Gustave Le Bon, nhà tâm lý xã hội học người Pháp, giải thích trong quyển The Crowd: A study of the Popular mind rằng mỗi cá nhân sẽ có xu hướng cư xử theo trào lưu của đám đông. Hiệu ứng cuốn theo đám đông kết hợp với tình trạng mỗi cá nhân trở nên vô danh trong đám đông sẽ dẫn đến sự thay đổi cảm xúc và cách cư xử của một người. Ví dụ, nếu có nhiều người vứt rác ra đường thì một người học thức cũng vứt rác ra đường vì ai cũng làm vậy mà.

SỐNG CÓ TÌNH NGƯỜI

201510014_tamly_tai sao ho hay chi trich va che bai 3

Trong Kinh thánh có một câu chuyện liên quan đến ném đá đáng cho chúng ta suy ngẫm. Người ta đưa một thiếu phụ phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Jesus và hỏi: “Thưa Thầy, người này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?”. Chúa Jesus trả lời: “Ai trong các ngươi cho rằng mình sạch tội thì hãy ném đá chị này trước đi”. Đám đông rút lui từng người một và không ai ném đá người thiếu phụ. Sau đó, Chúa Jesus khuyên người phụ nữ hãy sống tốt và đừng phạm tội nữa.

ĐỂ NGĂN CƠN CHỈ TRÍCH

Tất cả chúng ta đều có đôi lúc muốn phán xét. Nếu thấy mình đang dợm bước lên ghế “quan tòa”, bạn nên tự hỏi: “Có ích lợi gì trong việc này không?”. Hãy nhìn ra một khía cạnh tích cực của sự việc, lời chỉ trích của bạn sẽ bớt ác ý hơn.

Trước những lời chỉ trích có vẻ quá đà, bạn có thể “đâm ngang” bằng một câu hài hước như chị nhà thơ nêu trên, sự hài hước giải tỏa bớt căng thẳng mà vẫn có tác dụng đánh động người phê bình. Cũng có thể đính chính nhẹ nhàng như: “Bạn thấy nhà hàng đó tệ sao? Mình thấy thức ăn ngon mà”.

Mục tâm lý− Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua