Điều gì sẽ xảy ra khi bạn không ngủ trong nhiều ngày liên tiếp?

Vì sao giấc ngủ lại quan trọng đối với con người? Hãy cùng tìm hiểu cơ thể phải “vật lộn” ra sao để duy trì sự tỉnh táo nhé!

tác hại của mất ngủ

Tác hại của mất ngủ vô cùng nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người. Ảnh: Shutterstock

Chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện khoa học và giấc ngủ chất lượng là nền tảng của một sức khoẻ tốt. Cuộc sống của bạn sẽ nhanh chóng bị đảo lộn nếu thiếu ngủ vào đêm hôm trước. Nếu tình trạng thiếu ngủ kéo dài, thậm chí là bạn không ngủ được, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.

Nguy cơ tiềm ẩn của việc thiếu ngủ

Chỉ cần thiếu ngủ vào một đêm, bạn đã thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, tình trạng thiếu ngủ kéo dài khiến chúng ta có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng. Tiêu biểu là béo phì, bệnh tim và tiểu đường.

Trong khi ngủ, cơ thể tiết ra các hormone giúp kiểm soát sự thèm ăn, quá trình trao đổi chất và xử lý glucose. Ngủ không ngon giấc có thể dẫn đến việc cơ thể tăng sản xuất cortisol. Hay còn được gọi là hormone căng thẳng.

>>Xem thêm: 10 ứng dụng hàng đầu giúp giải toả căng thẳng mà bạn nên tải về điện thoại

Ngoài ra, ngủ ít cũng khiến các hormone khác trong cơ thể bị ảnh hưởng. Ít insulin được tiết ra sau khi bạn ăn, kết hợp cùng với sự gia tăng cortisol có thể dẫn đến quá nhiều glucose trong máu. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Vậy còn trong trường hợp bạn bị mất ngủ thì sao? Sẽ ra sao nếu cả đêm qua bạn không ngủ được chút nào? Thậm chí, không chỉ 1, mà vài đêm liên tiếp?

Tác hại của mất ngủ lên cơ thể ra sao?

Sau 24 tiếng: Khả năng phối hợp, trí nhớ và khả năng phán đoán bị suy giảm

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Y học Nghề nghiệp và Sức khỏe Môi trường, hậu quả của một đêm không ngủ là trong 24 tiếng sau, sự suy giảm nhận thức bắt đầu diễn ra. Khả năng phán đoán bị ảnh hưởng. Trí nhớ bị suy giảm. Khả năng ra quyết định hay khả năng phối hợp tay mắt kém rõ rệt. Bạn cũng dễ xúc động hơn, giảm chú ý, suy giảm thính lực; và tăng nguy cơ xảy ra sai sót, tai nạn nếu phải làm việc, điều khiển máy móc hoặc phương tiện.

Hiệu suất làm việc suy giảm ngay sau 24 tiếng mất ngủ. Ảnh: Shutterstock

Sau 36 tiếng: Sức khỏe thể chất bắt đầu bị ảnh hưởng tiêu cực

Tác hại của mất ngủ sau 36 tiếng, lúc này sức khỏe của bạn bắt đầu bị ảnh hưởng. Cơn đau đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Các dấu hiệu viêm nhiễm trong máu xuất hiện. Điều này có thể dẫn đến bệnh tim mạch và huyết áp cao. Ngoài ra, nội tiết tố bị ảnh hưởng, dẫn đến rối loạn cảm xúc. Hành vi có dấu hiệu mất kiểm soát.

Sau 48 tiếng: Gật gù và mất phương hướng

Sau 48 tiếng bạn không ngủ, cơ thể sẽ dễ rơi vào trạng thái gật gù và mất phương hướng. Trong y khoa, được gọi là Microsleep. Không giống như giấc ngủ thông thường, microsleep là tình trạng mất ý thức hoặc sự chú ý tạm thời do cảm thấy quá mệt mỏi hoặc buồn ngủ. Microsleep thường chỉ kéo dài khoảng một giây đến hai phút.

Microsleep thường xảy ra khi ai đó làm công việc đơn điệu như lái xe hoặc nhìn chằm chằm vào màn hình trong thời gian dài. Khi ý thức mất phương hướng, bạn dễ gặp sự cố khi đang điều khiển máy móc hoặc gây tai nạn nếu điều khiển phương tiện.

Ở 72 giờ: Sai lệch lớn về nhận thức và ảo giác

Điều tồi tệ sắp xảy ra sau 72 tiếng không ngủ. Tác hại của mất ngủ ở thời điểm này là cơ thể gần như đánh mất khả năng tập trung, động lực, nhận thức. Những việc đơn giản nhất nhưng đứng lên, ngồi xuống hoặc cầm nắm đều khó thực hiện trơn tru. Cơ thể rơi vào trạng thái kiệt quệ. Mắt mờ. Tai ù. Chóng mặt. Nhịp tim tăng và huyết áp không ổn định. Trong trường hợp xấu nhất, vẫn có thể xảy ra tử vong.

>>Xem thêm: Thời tiết thay đổi hoàn toàn ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta!

Hãy đi khám ngay nếu bạn gặp phải những triệu chứng sau đây!

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn khó ngủ hoặc thiếu ngủ, tuy nhiên, bạn cần lưu ý những nguyên nhân khiến bạn không thể ngủ vào ban đêm. Cụ thể:

Ngủ ngày quá nhiều.

Ngáy, thở hổn hển hoặc nghẹt thở khi ngủ.

Cảm giác bồn chồn hoặc giật ở chân vào ban đêm.

Suy giảm khả năng thực hiện các hoạt động ban ngày bình thường.

Cố gắng giữ tỉnh táo khi không hoạt động, cho dù ở đèn giao thông, xem tivi hoặc đọc sách.

Cần đồ uống có chứa caffein hoặc đường suốt cả ngày để tỉnh táo.

Cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ khi lái xe.

Cần thuốc hỗ trợ giấc ngủ một cách thường xuyên.

Nếu gặp phải những vấn đề trên, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị.

Chúng ta thực sự cần ngủ bao lâu?

Mọi người sẽ có nhu cầu thời lượng ngủ khác nhau. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, người trưởng thành nên ngủ từ 7–9 tiếng mỗi đêm.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, việc ngủ nướng một hoặc hai tiếng vào cuối tuần không thể bù đắp cho giấc ngủ đã mất trong suốt một tuần bận rộn. Nó cũng có thể làm lệch đồng hồ sinh học bên trong cơ thể bạn; và hoàn toàn có thể dẫn đến chứng mất ngủ vào đêm tiếp theo. Như vậy, giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất là tuân thủ một lịch trình ngủ nhất quán để duy trì và bảo vệ sức khoẻ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua