Tác dụng cây thằn lằn leo dành cho sức khoẻ mà bạn chưa biết!

Trong Đông y, cây thằn lằn leo thường được biết đến là loại cây có khả năng trị bệnh rất tốt. Chúng ta có thể dùng trái thằn lằn leo để ăn và làm thuốc bổ

tac-dung-cay-than-lan-leo

Tác dụng cây thằn lằn leo không chỉ trang trí mà chúng còn có thể chữa bệnh rất hiệu quả (Ảnh: Shutterstock)

Trong phong thủy, cây thằn lằn leo là biểu trưng của sức mạnh trường tồn và sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Về sức khỏe, trái của cây có khả năng chữa bệnh rất tốt. Mời bạn dõi theo chia sẻ của Th.S BS Nguyễn Thị Tuyết Nga – Trưởng khoa Y dược cổ truyền Bệnh viện Lê Văn Thịnh để tìm hiểu về tác dụng cây thằn lằn leo nhé!

Lợi ích cây thằn lằn leo

Cây thằn lằn leo có tên gọi khác là trâu cổ hoặc xộp, vẩy ốc. Đây là loại cây được trồng làm cảnh hoặc phủ xanh che mát tường rào, bê tông. Theo Đông y, thân lá có vị chua, tính mát. Trái có vị ngọt, chát, tính mát. Thời gian thu hoạch của trái thằn lằn leo thường rơi vào tháng 5 – 10 hằng năm.

Theo BS. Nga, loại cây này thường được dùng để ăn và làm thuốc bổ, chữa mộng tinh, viêm tinh hoàn, liệt dương. Ngoài ra, cây còn dùng để trị đau lưng, tiêu chảy lâu ngày, kinh nguyệt không đều, phong thấp, mụn nhọt, trĩ, tắc tia sữa hay để điều trị hội chứng đái dưỡng chấp.

Lưu ý khi sử dụng cây thằn lằn leo chữa bệnh

Trái thằn lằn leo chữa bệnh rất tốt nhưng cần có sự tham khảo ý kiến từ bác sĩ. (Ảnh: Shutterstock)

Trái thằn lằn leo ít có tác dụng phụ. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y. Trước khi chế biến, bạn đừng quên rửa thật sạch để hạn chế dị ứng do bụi hoặc côn trùng.

Theo BS. Nga, trái thằn lằn leo có nhiều công dụng nhưng nhóm phụ nữ có thai không được tự ý sử dụng. Nếu không tìm hiểu kỹ, loại dược liệu này vẫn có thể làm ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

Ngoài ra, đối tượng nam giới cũng không nên “ham lời”. Bởi việc sử dụng quá nhiều thảo dược hoặc cây cỏ thiên nhiên để tăng ham muốn cũng gây nguy hiểm cho tính mạng. Thay vào đó, đấng mày râu nên kết hợp ăn uống đủ chất, luyện tập thể lực thường xuyên để tăng cường sinh lực.

Tác dụng từ cây thằn lằn leo

Để đảm bảo an toàn dược tính của trái thằn lằn leo, ban chỉ nên dùng từ 5 – 10g/ngày. Sau đây là những bài thuốc gợi ý từ BS. Nga bạn có thể tham khảo:

Chữa tắc tia sữa, sưng vú, sản phụ ít sữa

Chuẩn bị 40g trái thằn lằn, 15g hoa bồ công anh, 15g lá mua nấu lấy nước uống, bỏ bã. Đồng thời, giã nhỏ trái thằn lằn leo và lá bồ công anh rồi đắp vào chỗ sưng đau, kết hợp massage vú nhẹ nhàng để thông sữa.

Chữa mộng tinh, liệt dương

Lấy 100g cành, lá và trái thằn lằn non đã phơi khô, 50g đậu đen xay thô. Sau đó, ngâm trong 250ml rượu trắng 10 ngày. Mỗi lần uống 10ml, ngày uống 3 lần.

Thanh nhiệt

Trái thằn lằn leo rửa sạch, xay nhuyễn và vắt lấy nước cốt. Đợi đến khi nước cốt đông đặc thì đem thái thành sợi rồi thêm nước đường thưởng thức như món giải khát.

Dùng làm cao

Trái thằn lằn chín cắt nhỏ, nấu với nước. Sau đó lọc bỏ bã, nấu tiếp cho cô đặc thành cao. Ngày dùng 5 – 10g pha nước uống giúp chữa đau nhức ở người già hoặc làm thuốc bổ, điều kinh, hỗ trợ tiêu hóa.

Cách trồng cây thằn lằn leo

Để sử dụng hiệu quả tác dụng cây thằn lằn leo, bạn có thể tiến hành trồng chúng tại nhà. Thằn lằn leo được nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Bạn chỉ cần cắt một đoạn nhỏ dài 20 – 30cm. Sau đó, cắm vào chậu đất, tưới nước vừa đủ ẩm và đặt chậu ở nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên.

Khi cành giâm đã ra nhiều rễ và mọc chồi thì mang đi trồng. Nếu muốn phủ tường nhanh hơn, bạn cần tưới nước đều đặn 1 lần/ngày và thêm một ít phân bón lá.

Xin cảm ơn Th.S BS Nguyễn Thị Tuyết Nga đã chia sẻ!

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua