Tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với doanh nghiệp Việt Nam

Chào mừng ngày doanh nhân Việt Nam, chiều 12−10, tại TP. HCM, câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam − Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tổ chức chương trình "Ngày hội Doanh nhân, Doanh nghiệp toàn quốc năm 2015”

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ mở ra những cơ hội và cả thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam − Ảnh: baomoi.com

Đến dự và phát biểu tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thay mặt đồng bào cả nước gửi lời chúc mừng và cảm ơn các thế hệ doanh nhân Việt Nam − những người đã góp phần làm nên thành công của 30 năm đổi mới; chúc các doanh nhân tiếp tục vững bước đi lên, xây dựng đất nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đưa ra thông điệp: Sau 30 năm đổi mới, bên cạnh những hạn chế khó khăn, nước ta đạt được những thành tựu, phát triển hết sức tự hào. Năm 1975, khi đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, sau 10 năm tìm mô hình kinh tế, đến năm 1986, Việt Nam đã có câu trả lời: vì lợi ích của nhân dân, theo mục tiêu của Đảng phát triển kinh tế phải là kinh tế thị trường. Đây là quyết định hết sức đặc biệt. Những người quyết định nền kinh tế này và bước vào kinh tế thị trường đều không được đào tạo gì về kinh tế thị trường, đều học về kinh tế kế hoạch và trưởng thành trong chiến tranh, không phải là doanh nhân, doanh nghiệp, nhưng bằng sự nhạy cảm và quyết đoán, Đảng và nhân dân ta đã chọn con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trải qua 30 năm, từ năm 1986 đến nay, mặc dù còn khó khăn, thách thức nhưng cũng có thành công lớn. Bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, sự sáng tạo của nhân dân, chính các doanh nhân là những người tiên phong trong mặt trận kinh tế. Những doanh nhân dù là đảng viên hay không phải đảng viên nhưng bằng hiệu quả kinh tế của mình đã góp phần hiện thực hóa đường lối của Đảng, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ mở ra cơ hội vô cùng lớn. Dù không thể kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực nhưng ở lĩnh vực nào mà người Việt Nam làm chủ công nghệ, không thua người nước ngoài, với đặc điểm lao động cần cù, sáng tạo, cơ hội của doanh nhân Việt Nam là rất lớn. Với tinh thần “thua không sợ, thắng không kiêu”, chắc chắn đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ đưa đất nước đi lên. Khi hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam trước cơ hội tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nên hình thành các nhóm. Nhất là những doanh nghiệp cùng một ngành hàng, kết hợp lại với nhau để chia sẻ thông tin, nghiên cứu thị trường.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt chức năng của mình là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, trong đó lắng nghe ý kiến của doanh nhân để đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước.

Tạo sân chơi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

Với chủ đề “Những cơ hội và thách thức của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với Doanh nghiệp Việt Nam”, các doanh nhân dự chương trình đã thông tin về những cơ hội, thách thức, khó khăn, vướng mắc trong quá trình đổi mới sản xuất, kinh doanh, cũng như trong việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Qua đó, các doanh nghiệp, doanh nhân kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để có những quyết sách kịp thời giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để giới doanh nhân đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Nhiều ý kiến đánh giá việc Việt Nam vừa đàm phán xong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2015/NĐ−CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015−2016, sẽ giúp môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam được cải thiện và phát triển mạnh mẽ. Nhưng nếu không nỗ lực chuẩn bị, chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà.

Các ý kiến cho rằng, việc Đảng, Nhà nước ta đã có cải cách kịp thời, là bước ngoặt lớn giúp đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Việc ký Hiệp định với Hoa Kỳ vào năm 2000 cũng là một cuộc cách mạng lớn và hiện nay, việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã tạo ra sân chơi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây chính là điều nhiều doanh nghiệp mong mỏi.

Trên cơ sở Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, các đại biểu đề nghị, các nhà quản lý Nhà nước cần vào cuộc, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia một cách thuận lợi trong việc thực hiện các quy định của Hiệp định. Đây là công việc không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của các nhà quản lý và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà quản lý nhà nước cần vào cuộc, tìm người tài để thực hiện, bởi không thể kinh doanh bằng cách hô hoán mà cần phải có kiến thức. Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, với tư duy mới; nâng cao năng lực, kiến thức của mình để vượt qua thách thức khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Nguồn TTXVN/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua