Suy ngẫm chuyện đánh vần

Điều chúng ta cần thay đổi trong giáo dục không phải là phương pháp với đủ kiểu cải cách mà là tư duy giáo dục. Đánh vần kiểu cũ hay kiểu mới cũng chỉ là phần vỏ của vấn đề

Những ngày qua, mạng xã hội xảy ra cuộc đại chiến ngôn luận xoay quanh sách đánh vần theo sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Các cuộc khẩu chiến diễn ra gay gắt. Người bức xúc thì rất cực đoan cho rằng điều này đe dọa… tiếng Việt!

Thậm chí có người còn lôi lại chuyện cải cách chữ tiếng Việt kiểu mới của PGS. Bùi Hiền và thóa mạ cả hai vị; (dù hai vấn đề khác nhau). Người bênh vực thì dựa vào việc nước ngoài họ cũng dạy đánh vần theo nhiều cách. Vuông tròn tam giác có gì mà không được?

Một số người từng học công nghệ giáo dục vài chục năm trước cho rằng họ đã học đọc viết tốt theo cách đánh vần này. Tuy nhiên, cả hai luồng tranh luận lớn của hai bên hầu hết đều sa vào chỉ trích cá nhân hoặc sa vào cảm tính cá nhân; chứ không phải bằng lý lẽ khoa học. Điều này dẫn đến các cuộc unfriend nhau giữa các facebooker có ảnh hưởng tăng đột biến.

Một luận điểm những người ủng hộ phương pháp đánh vần mới của giáo sư Hồ Ngọc Đại dựa vào: Trẻ em chỉ cần học ở trường còn về nhà thì cứ chơi với bố mẹ; không cần phải học hay làm bài tập gì hết; nên cha mẹ không cần phải lo dạy con ở nhà (vì chỉ thầy cô mới dạy được, bố mẹ không dạy được – trích lời giáo sư Hồ Ngọc Đại).

Quy hết giáo dục về cho nhà trường là đi ngược lại tư duy giáo dục cơ bản từ ba nguồn: Nhà trường – Gia đình – Xã hội.

TTGĐ có phỏng vấn nhà văn Huỳnh Chí Viễn về việc đánh vần này, anh đã chia sẻ:

1. Tôi ủng hộ việc học sinh chỉ học ở trường là đủ và không cần phải quá mệt mỏi với bài tập về nhà

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cha mẹ không thể giúp đỡ con cái học tập khi cần. Giả như cha mẹ muốn kiểm soát nội dung của những gì con được dạy trong trường (xin thưa, việc theo sát nội dung của sách giáo khoa trong thời đại này là vô cùng cần thiết), cha mẹ vẫn có thể và được quyền làm.

2. Phần lớn phụ huynh Việt Nam rất ít khi học cùng con

mà chủ yếu gửi con đi học thêm, học phụ đạo; nên lập luận không cần cha mẹ phải dạy thêm con ở nhà không đủ mạnh. Nó không sát với thực tế. Nếu chương trình công nghệ giáo dục không dẹp được chuyện học sinh lớp 1 vẫn phải đi học phụ đạo ở nhà cô để theo kịp chương trình thì lập luận trên càng vô nghĩa. Điều đó cứ để thực tế chứng minh.

3. Cha mẹ nên theo sát việc học hành của con chứ không thể giao khoán cho trường

Không khuyến khích cha mẹ bắt con học ở nhà không đồng nghĩa với việc cha mẹ không được can thiệp vào chuyện học của con; hay có ý kiến với những gì họ không vừa lòng trong chương trình học của con.

4. Giáo dục phổ thông ở Việt Nam không miễn phí mà thậm chí là rất đắt đỏ

Tại sao phụ huynh đóng tiền cho con đi học nhưng không có quyền kiểm tra hoặc phản ánh về chất lượng của dịch vụ họ bỏ rất nhiều tiền ra để có được? Việc bảo cha mẹ không can thiệp vào chuyện học của con khác nào bảo cha mẹ cứ trả tiền; nhưng không được quyền kiểm soát chất lượng dịch vụ? Họ có thể phản ánh, thậm chí ngưng để chọn dịch vụ khác nếu họ không hài lòng với dịch vụ họ đang sử dụng. Tôi sẽ không bỏ tiền cho những thứ tôi bị buộc phải sử dụng khi tôi thấy không đáng.

5. Ở ngay cả những nước giáo dục tiên tiến người ta vẫn khuyến khích cha mẹ học cùng con ở nhà

Không cho con học phụ đạo bên ngoài quá nhiều vì cha mẹ thực sự có thể giúp con được rất nhiều trong việc học nếu biết cách. Nếu chương trình Công Nghệ Giáo Dục làm điều ngược lại: Cha mẹ không biết gì để dạy con; còn trẻ em vẫn phải học phụ đạo bên ngoài để theo kịp chương trình ở trường; thì đó thực sự là phản giáo dục.

Gia đình tôi có ba đời làm giáo viên và hai vợ chồng tôi đều đi dạy. Những điều tôi nói là hoàn toàn có căn cứ từ kinh nghiệm thực tế; không phải lý thuyết suông. Cái chúng ta cần cải cách là Tư duy giáo dục chứ không phải cách đánh vần. Đánh vần kiểu truyền thống hay kiểu của giáo sư Hồ Ngọc Đại đều có kết quả giống nhau: đọc và viết được.

Nếu cách đánh vần theo công nghệ giáo dục của giáo sư Đại có thể giúp trẻ ráp vần và đọc thông thạo nhanh hơn cách truyền thống vài tháng đi nữa thì không có gì quan trọng. Nhưng tư duy giáo dục sai lệch, như cha mẹ không thể trực tiếp theo sát việc học của con; dạy trẻ lừa lọc, dùng tiếng địa phương thay cho tiếng phổ thông… có thể khiến chúng ta và con cái nhận hậu quả khó lường.


Vì sao đa số người Việt không dùng từ điển tiếng Việt?

Nhà báo Lý Đợi chia sẻ: Tiếng Việt của chúng ta quá dễ đọc! Một học sinh lớp 3 có thể đọc mọi văn bản tiếng Việt mà không cần tra từ điển để đánh vần; phát âm cho đúng. Còn đọc có hiểu đúng và nắm rõ nghĩa hay không lại là chuyện khác.

Đây là điều khá khác biệt giữa tiếng Việt so với đa số tiếng Ấn–Âu, Hán–Tạng… Vì trong các thứ tiếng này, gặp từ lạ thì không thể hiểu nghĩa và không thể đọc được; nên buộc phải tra từ điển. Càng học lên cao càng phải tra kỹ.

Rất ít sinh viên khoa ngữ văn, sư phạm văn tại Việt Nam dùng từ điển tiếng Việt thường xuyên. Có lẽ cũng do tiếng Việt quá dễ đọc; nên tưởng dễ hiểu và dễ dùng. Nhìn ở khía cạnh này càng thấy công nghệ đánh vần và tập đọc chỉ chạm vào phần vỏ của vấn đề. Làm sao để đa số sinh viên, học sinh Việt Nam biết dùng từ điển tiếng Việt và Hán–Việt mới thực là cách mạng.

E rằng đây là ước mơ có vẻ viển vông so với hiện tại của nền giáo dục quốc gia.

Bài: NGUYỄN HẬU

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua