Suy giảm nhận thức: Hãy phát hiện sớm khi còn có thể!

Nhiều người thường lầm tưởng suy giảm nhận thức là hiện tượng tự nhiên của tuổi già. Tuy nhiên, căn bệnh này lại ẩn chứa nhiều nỗi lo đáng sợ hơn thế!

Nếu không can thiệp sớm, suy giảm nhận thức có thể tiến triển đến chứng sa sút trí tuệ (Ảnh: Shutterstock)

Ai trong chúng ta cũng thỉnh thoảng quên vặt, chẳng hạn như quên tên một ai đó, quên ngày sinh nhật, quên đồ đạc… Những lúc này, chúng ta chẳng mấy quan tâm và tự trấn an mình “đãng trí thôi!”. Tuy nhiên, đừng vội chủ quan nếu bạn gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Theo BS CKII Tống Mai Trang, Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đây có thể là dấu hiệu “mách bảo” bạn đang bước vào giai đoạn bệnh lý suy giảm nhận thức.

Thế nào là suy giảm nhận thức?

Suy giảm nhận thức là quá trình giảm trí nhớ hoặc suy giảm một số các chức năng nhận thức như: ngôn ngữ, tính toán, tập trung chú ý, thị giác không gian… Nếu sự suy giảm này chưa ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày sẽ được gọi tên là suy giảm nhận thức nhẹ (MCI- Mild cognitive impairment).

Nhưng nếu không can thiệp sớm, tình trạng MCI có thể tiến triển đến chứng sa sút trí tuệ mà phổ biến nhất là bệnh Alzheimer khi về già.

>>Xem thêm: Thức uống có cồn giúp giảm nguy cơ mắc Alzheimer

Những nhóm nguy cơ gây suy giảm nhận thức ở người trung niên và cao tuổi gồm:

Hút thuốc lá

Trầm cảm

Ít giao tiếp xã hội

Lối sống thụ động, lười vận động

Đái tháo đường

Sống trong môi trường ô nhiễm không khí

Dấu hiệu nhận biết

Nhiều người thường lầm tưởng MCI là hiện tượng tự nhiên của tuổi già. Vì thế, họ chỉ thăm khám khi đã có dấu hiệu trở nặng. Theo BS. Trang, để có thể phát hiện sớm, bạn nên theo dõi tình trạng ghi nhớ của mình và người thân.

Các biểu hiện của MCI là: giảm trí nhớ, khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc, có vấn đề về ngôn ngữ, rối loạn định hướng, giảm khả năng đánh giá, có vấn đề về tư duy, thay đổi khí sắc/tính cách, mất tính chủ động, quên vị trí đồ vật,… Nếu nhận thấy có các dấu hiệu trên, hãy đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Làm thế nào để giảm gánh âu lo?

Theo Tạp chí Lancet năm 2020, có đến 40% yếu tố tác động xấu đến não bộ gây suy giảm nhận thức có thể điều chỉnh được. Đặc biệt hơn, não bộ là một cơ quan rất linh hoạt. Do đó, chúng ta vẫn có thể ngăn ngừa MCI bằng các hoạt động trị liệu nhận thức để kích hoạt được nhiều vùng não.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, những gì tốt cho tim và bệnh lý đái tháo đường đều tốt cho bộ não. Vì thế, hãy tăng cường tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Đó là chế độ ăn nhiều rau xanh, giảm đường, giảm béo, giảm tinh bột… Đồng thời, kết hợp với việc việc thường xuyên rèn luyện trí óc và thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất.

>>Xem thêm: Chế độ ăn Keto không chỉ giúp giảm cân thần tốc mà còn giảm triệu chứng bệnh động kinh

Bài tập rèn luyện trí óc

Tập thể dục làm cơ thể khỏe mạnh, tập luyện trí óc sẽ làm trí nhớ minh mẫn. Cách rèn luyện là học kỹ năng mới, ví dụ như:

Chơi nhạc cụ, học ngoại ngữ hoặc các môn học yêu thích.

Rèn luyện trí nhớ như ô chữ, sudoku, kakuro.

Tạo thú vui mới như trồng cây, cắm hoa, hoặc tham gia công việc thiện nguyện.

Đọc sách báo, xem thời sự trên ti vi để theo dõi tình hình thế giới và trong nước.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua