Một số người dễ dàng gục ngã trước sóng cuộc đời, số khác lại sẵn sàng đương đầu với nó. Bí mật nằm ở sức bật tinh thần của mỗi cá nhân. Sinh ra chẳng phải một chiến binh, liệu chúng ta có thể tôi luyện để trở nên kiên cường hơn?
Sức bật tinh thần là gì?
Sức bật tinh thần (Resilience) là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn. Nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sau chấn thương tâm lý.
Chúng ta có thể “đo” được sức bật tinh thần của một người khi đặt họ vào nghịch cảnh. Có những người sẽ cảm thấy suy sụp, chìm đắm trong đau khổ. Ngược lại người sở hữu sức bật tốt sẽ thích nghi được với mọi hoàn cảnh, tìm cách vực dậy tinh thần. Họ là những chiến binh tuyệt vời, đồng thời dễ dàng tái thiết lập trật tự cuộc sống.
Nghiên cứu cho thấy sức bật là thứ thường có ở con người. Tuy nhiên cần rèn luyện để nó trở nên tốt hơn.
Tại sao một số người có sức bật tinh thần tốt hơn những người khác?
Theo Karestan Koenen – Giáo sư dịch tễ học tâm thần của Đại học Harvard thì khả năng phục hồi của cá nhân được tạo nên bởi yếu tố di truyền: “Những đặc điểm tính cách chịu ảnh hưởng từ yếu tố di truyền. Ví dụ như khả năng chấp nhận rủi ro. Hoặc quyết định bạn là người hướng nội hay hướng ngoại.”
Giáo sư Koenen cho rằng di truyền có tác động, nhưng không chi phối hoàn toàn khả năng vượt qua nghịch cảnh. Điều quan trọng ảnh hưởng đến sức mạnh tinh thần cá nhân còn là bối cảnh sống.
Bessel van der Kolk, Giáo sư tại Đại học Y khoa Boston cho biết bối cảnh sống bao gồm các mối quan hệ thân thiết, đặc biệt là với cha mẹ. Bên cạnh đó là cách cá nhân được nuôi nấng như thế nào. Giáo sư khẳng định 20 năm đầu đời vô cùng quan trọng. Trải nghiệm khi ấy tác động lớn tới não bộ và nhận thức của con người.
“Cảm giác được yêu thương, che chở thời thơ ấu là nền tảng để ta băng qua mọi trắc trở trong đời.”
Niềm tin cũng góp phần tạo nên sức bật tinh thần tuyệt vời. Những người có niềm tin tôn giáo hay tin vào khía cạnh tích cực dễ vượt qua khó khăn trong cuộc sống hơn.
Steven M. Southwick – Giáo sư nghiên cứu tại Đại học Yale lại có một góc nhìn khác về sức bật tinh thần. Theo ông, áp lực cũng là điều giúp một số người rèn luyện được sức bật tốt hơn kẻ khác: “Stress cũng không phải thứ gì quá tệ”. Hôm nay vượt qua khó khăn tức là ngày mai bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Cây bút Eilene Zimmerman từng chia sẻ câu chuyện của mình trên tờ The New York Times và trở thành nguồn cảm hứng của hàng triệu độc giả trên thế giới. 5 năm trước cô cảm thấy vô cùng khó khăn khi chồng cũ đột ngột qua đời. Eilene phải đối mặt với gánh nặng nuôi dạy con cái và giải quyết vấn đề tài chính mà chồng để lại.
Cô thừa nhận khoảng thời gian ấy là lúc bản thân được tôi luyện để đối đầu với những điều tệ hơn. Vì đã trải qua những điều quá sức chịu đựng vào 5 năm trước nên hiện tại, cô bình tĩnh hơn khi thấy vấn đề đại dịch, biến động chính trị, bất ổn về kinh tế.
“Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng mình không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi lập kế hoạch tốt nhất có thể. Song cũng không ngại thay đổi chúng. Giờ tôi có khả năng đương đầu với những sự cố bất ngờ của cuộc sống.”
Eilene cho hay: “Cách vượt qua khủng hoảng là bớt suy nghĩ. Thay vì dày vò bởi quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai thì tôi tập trung vào hiện tại, với những mục tiêu ngắn hạn mà tôi hoàn toàn nằm quyền kiểm soát lúc này. Tưởng tượng những tình huống xấu nhất là vô nghĩa và chỉ làm tăng lo lắng mà thôi.”
Bí quyết củng cố sức bật tinh thần
Tìm ra mục đích sống
Việc tìm thấy mục đích sống sẽ đem đến cho bạn động lực để phục hồi tinh thần. Bạn có thể tham gia các nhóm, cộng đồng nhằm nâng cao sức khoẻ tinh thần.
Tin tưởng vào khả năng của mình
Lắng nghe những nhận xét tiêu cực trong đầu bạn để “phản hồi” bằng những câu khẳng định tích cực. Ví dụ như “Tôi có thể làm được điều này”, “Tôi là một người bạn tuyệt vời”…
Phát triển một mạng lưới xã hội thân thiết
Người bạn đáng tin sẽ là chỗ dựa vững chắc cho bạn trong giây phút yếu lòng. Những lời động viên và an ủi sẽ trở nên đáng giá khi tâm trí bạn khủng hoảng.
Sẵn sàng thay đổi
Thích nghi với mọi hoàn cảnh sẽ giúp bạn ứng phó với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống.
Học cách lạc quan
Lạc quan đồng nghĩa với bạn hiểu thất bại chỉ là tạm thời. Bạn đã rút ra được những bài học quý giá cho thử thách tiếp theo.
Nuôi dưỡng bản thân
Lúc căng thẳng, bạn thường bỏ bê bản thân. Nhớ ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và dành thời gian cho các hoạt động mà bạn yêu thích.
Phát triển kĩ năng xử lí tình huống
Lập nhanh một danh sách các phương pháp giải quyết hữu ích khi gặp vấn đề. Lâu dần, kỹ năng này sẽ trở thành phản xạ tự nhiên giúp bạn đối phó với tình huống khó khăn.
Hành động
Hãy bắt tay hành động ngay. Dù bạn chưa thể giải quyết vấn đề một cách triệt để nhưng tin rằng hành động của bạn có thể khiến tình hình tốt hơn.
Tiếp Thị Gia Đình