Sự tò mò kiểu chiếc hộp của Pandora

Các nhà nghiên cứu đã kết luận sự tò mò là bản năng mãnh liệt của con người và không thể thay đổi

Bạn đi làm về. Buổi chiều đường chật, người đông, dòng xe cộ nhích từng chút như rùa, rồi bất chợt ứ lại. Kẹt xe. Đó có thể là hậu quả của một vụ va quẹt nhẹ trên đường, một vụ xô xát, hay đơn giản chỉ vì có một người bệnh tâm thần đứng giữa đường. Người ta đi qua, dù vội cỡ nào, cũng tranh thủ ngó một cái, thậm chí có người dừng hẳn lại để xem, mặc cho dòng người huyên náo, ùn ứ xung quanh. Tại sao họ cư xử như vậy? Tất cả đều chỉ vì sự tò mò.

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao người ta tò mò? Truyền thuyết cổ Hy Lạp đã mô tả bản năng tò mò này qua câu chuyện “Chiếc hộp của Pandora”. Nàng Pandora, người phụ nữ đầu tiên trên Trái Đất, tò mò mở chiếc hộp cấm, làm từ đó bay ra cái chết, sự ích kỷ, xảo quyệt, dối trá… May mắn là trong chiếc hộp cũng có một điều tốt đẹp: Hy vọng. Hoạ sĩ trứ danh Paul Césaire Gariot đã vẽ lại tích này năm 1877 trong bức tranh nổi tiếng của ông, “Chiếc hộp của Pandora”.

Thiên nhiên sinh ra con người với bản năng tò mò. Sự tò mò buộc chúng ta học hỏi và trải nghiệm và quá trình này có thể dẫn đến những kết quả tốt đẹp. Nhờ tò mò mà con người giờ đây đã đặt chân lên Mặt Trăng và vươn xa ra khỏi quỹ đạo của Trái Đất. Thế nhưng sự tò mò cũng có thể mang lại những hậu quả vô phương cứu chữa. Mới đây, ba du khách người Anh thiệt mạng khi thám hiểm thác Datanla là một minh chứng. Đã biết đó là chỗ nguy hiểm, khônd được đặt chân đến, nhưng các bạn trẻ vẫn không ngăn được tò mò thử nghiệm, để rồi phải trả giá bằng cả cuộc đời họ.

Bức tranh "Chiếc hộp của Pandora" hoạ sĩ Paul Césaire Gariot vẽ theo truyền thuyết Hy Lạp về sự tò mò của con người

Bức tranh “Chiếc hộp của Pandora” hoạ sĩ Paul Césaire Gariot vẽ theo truyền thuyết Hy Lạp về sự tò mò của con người

Mới đây các nhà khoa học thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm để xem sự tò mò điều khiển con người ra sao. Họ giao cho nhóm người tham gia thử nghiệm một số cây viết có khả năng gây điện giật khi bấm. Dòng điện một chiều không gây chết người, nhưng vẫn có thể làm người ta giật nảy người. Một số thân viết có ghi rõ cây nào gây giật điện, cây nào không. Một số thân viết khác thì không có nhãn gì.

Các nhà nghiên cứu yêu cầu nhóm thử nghiệm cầm viết trong khi chờ đợi đánh dấu một số chọn lựa trên giấy. Trong khi chờ, nếu thấy sốt ruột, họ có thể bấm viết cho đỡ… chồn tay, nhưng báo trước là sẽ có cây gây điện giật.

Cứ tưởng đã được cảnh báo trước thì người ta không bấm viết. Nhưng không, người ta cứ bấm và bị điện giật!

Điều này cho thấy trong nhiều trường hợp, sự tò mò mạnh hơn cả sự sợ hãi. Để thoả mãn sự tò mò, nhiều khi người ta bất chấp cả nguy hiểm đối với bản thân! Tóm lại, tò mò là bản năng của con người.

Đừng bỏ qua