Sự tò mò giúp con người có trí nhớ tốt hơn

Nhà bác học Albert Einstein từng khẳng định: “Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ vô cùng tò mò thôi” và ông nhắn nhủ chúng ta đừng bao giờ để mất đi sự tò mò “thần thánh”

Bé Bo, 3 tuổi, hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao trời lại mưa?”. Bà mẹ cố gắng trả lời theo cách đơn giản nhất: “Ờ thì ông mặt trời chiếu nắng xuống nóng quá nên nước sông, hồ bốc hơi lên thành mây. Đến khi nào mây nặng quá thì rơi xuống thành mưa”. Nói vậy nhưng bà mẹ chắc rằng con không thể hiểu và nhớ được. Ấy vậy mà hơn nửa tháng sau, nghe thấy cô em họ hỏi bà ngoại: “Bà ơi, sao trời lại mưa?”, bé Bo liền giải thích y như mẹ đã nói.

Một nghiên cứu mới đây của Đại học California, Mỹ, cho thấy khi chúng ta tò mò muốn tìm câu trả lời cho một vấn đề, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ tất cả những thông tin về nó, kể cả điều chúng ta không quan tâm. Những người tham gia nghiên cứu được cho một loạt câu hỏi, với mỗi câu họ phải tự chấm điểm mức độ tò mò của mình sau đó chờ 14 giây mới nhận được câu trả lời. Trong thời gian chờ, nhóm nghiên cứu chiếu cho họ xem một gương mặt lạ. Kiểm tra sau đó cho thấy với những câu khơi dậy sự tò mò cao hơn thì họ nhớ câu trả lời rõ hơn và nhớ cả gương mặt đi kèm.

VÌ SAO CHÚNG TA NÊN TÒ MÒ?

su to mo hinh anh 1

Giúp trí óc linh hoạt chứ không thụ động: Người tò mò luôn đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời nên trí óc họ luôn hoạt động. Tương tự như cơ bắp, trí óc cũng minh mẫn và nhanh nhạy hơn nhờ sự luyện tập liên tục và các câu hỏi do óc tò mò khơi dậy chính là bài tập tuyệt vời cho não bộ.

Làm chúng ta sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới: Nếu tò mò về vấn đề gì đó, trí óc bạn sẽ mong chờ và phán đoán những giả thuyết liên quan đến nó. Khi câu trả lời đến, bạn sẽ tiếp nhận rất nhanh chóng. Nếu không có sự tò mò, những ý tưởng mới mẻ đó có thể trôi qua trước mắt mà bạn vì hờ hững mà không nhận ra.

Mở ra những thế giới mới: Với chiếc kính lúp tò mò, bạn sẽ nhìn thấy được những thế giới mới và những khả năng mới ẩn giấu đằng sau bề mặt của cuộc sống thường nhật.

Nó đem sự kỳ thú vào trong cuộc sống của bạn: Sự tò mò khiến cuộc sống của bạn không bao giờ nhàm chán, bạn có thể thấy rõ điều đó ở những đứa trẻ đang tuổi học nói. Bọn trẻ thắc mắc về mọi điều và không ngừng đặt ra những câu hỏi, chính vì vậy mà chúng luôn cảm thấy thú vị với những khám phá của mình.

ĐỂ PHÁT HUY ÓC TÒ MÒ

su to mo hinh anh 2

Giữ óc cởi mở: Cần cởi mở để học cái mới hoặc xóa cái cũ và học lại cho đúng. Có một số điều bạn biết hoặc tin chắc nhưng chúng có thể sai, do đó bạn cần sẵn sàng chấp nhận thay đổi suy nghĩ. Chẳng hạn, có một vài từ tiếng Anh bạn học từ nhỏ là phát âm thế này, nhưng đến một ngày, bạn nhìn thấy từ đó trong một cuốn từ điển uy tín với cách phát âm hoàn toàn khác. Ví dụ, bạn phát âm tên diễn viên Kate Winslet thế nào?

Đừng xem điều gì là mặc nhiên: Nếu bạn chỉ chấp nhận thế giới như nó vốn dĩ phải thế mà không đào sâu tìm hiểu thì chắc chắn bạn sẽ mất đi sự tò mò “thần thánh”. Hãy thắc mắc và tìm hiểu về mọi thứ xung quanh. Không ngừng đặt câu hỏi: Một cách chắc chắn để đào sâu tìm hiểu là đặt ra những câu hỏi như: Đó là cái gì, Tại sao người ta làm ra nó… Những câu hỏi cái gì, tại sao, khi nào, ai, ở đâu là bạn bè tốt nhất của người tò mò.

Đừng định kiến rằng điều gì đó là nhàm chán: Sự tò mò khiến con người ít có xu hướng dán nhãn nhàm chán cho điều gì. Thay vào đó, họ thấy nó là cánh cửa dẫn đến một thế giới mới thú vị. Ngay cả khi họ không có thời gian để khám phá nó, họ vẫn để mở một cánh cửa để ghé thăm nó khi nào có dịp.

Đọc nhiều sách báo khác nhau: Không nên chỉ quan tâm một thế giới duy nhất mà cần ngó nghiêng đến nhiều thế giới khác vì nó sẽ mở ra cho bạn nhiều điều kỳ thú. Một cách để làm được điều đó là đọc đa dạng nhiều loại sách, báo thuộc các thể loại đề tài khác nhau.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua