Sự thật thú vị về thực phẩm có thể bạn chưa biết – Kỳ 9

Cùng TTGĐ tìm hiểu qua loạt bài viết về những sự thật thú vị có thể bạn chưa biết, mặt tốt – xấu và bí quyết sử dụng đúng cách các loại thực phẩm.

Mời bạn cùng TTGĐ du hành vào thế giới thực phẩm kỳ này. Cùng TTGĐ tìm hiểu qua loạt bài viết về những sự thật thú vịcó thể bạn chưa biết; mặt tốt – xấu; và bí quyết sử dụng đúng cách các loại thực phẩm chúng ta vẫn tiêu thụ hàng ngày.

Kỳ này, hành trình cùng TTGĐ tìm hiểu về những sự thật thú vị; những mặt lợi hại của thực phẩm quanh ta sẽ tiếp tục với ba gương mặt quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của bạn.

Canh rong biển, sữa đậu nành, trà bí đao. Nghe tên món nào cũng thật tự nhiên, mát lành, thanh đạm và tốt cho sức khỏe, đúng không? Thế nhưng, đằng sau cái mác “healthy” đó; biết đâu lại là những bí mật; và sự thật thú vị mà đến chính bạn cũng không ngờ về những loại thực phẩm này

SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ RONG BIỂN (SEAWEED)

Rong biển có hương vị đặc trưng, khá ngon miệng, có thể được chế biến theo nhiều cách, trong nhiều món ăn khác nhau. Thế giới có khoảng hơn 2.500 giống rong biển, thường được phân loại theo màu sắc như nâu, đỏ, xanh lá, xanh lục… Rong biển xuất hiện nhiều nhất trong các món ăn Nhật Bản, từ cơm, mì, sushi cho đến súp, cháo…

Lợi:

Tăng cường sức khỏe tuyến giáp. Hầu hết rong biển là nguồn cung cấp dồi dào i-ốt – chất tuyến giáp cần để sản xuất các hormone điều hòa quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

Bổ sung protein giúp nuôi dưỡng cơ bắp. 1/2 chén rong biển nori nguyên chất (khoảng 113g) chỉ chứa 40 calorie nhưng vẫn cung cấp khoảng 6g protein, hoàn toàn không có chất béo hay cholesterol.

Tăng cường hệ miễn dịch. Rong biển có nhiều beta-carotene, tiền thân của vitamin A, giúp tăng sức đề kháng để chống lại bệnh tật, ổn định chức năng tế bào.

Cung cấp folate. 1/2 chén rong biển tươi chứa khoảng 200 microgram folate, tương đương 50% hàm lượng folate được khuyến cáo trong chế độ ăn uống hàng ngày cho người lớn. Cơ thể sử dụng folate như a-xít folic để xây dựng DNA và hồng cầu. Cơ thể không có sẵn lượng folate lớn để sử dụng, vì thế, bạn phải chủ động cung cấp qua việc ăn uống để duy trì mức độ folate trong máu.

Hại:

Natri cao. Hàm lượng natri nạp vào cơ thể hàng ngày được khuyến nghị không vượt quá 2.300mg. Thế nhưng, 1/2 chén rong biển tươi đã chứa 900 – 1.100mg natri. Vì thế, rong biển không phải là thực phẩm lý tưởng cho người ăn kiêng muối.

Cách dùng:

– Ăn tươi như snack.

– Thêm vào mì ramen, súp miso hoặc mì Ý hải sản sốt kem tươi.

– Xào chung với mì, bún, rau củ hoặc nấu canh với thịt, hải sản.

SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ BÍ (SQUASH)

Bí có nhiều loại như su su, bí đỏ, bí ngòi, bí đao, bầu, mướp… thường được chia làm hai loại là bí mùa hè và bí mùa đông. Bí mùa đông thường có vỏ cứng, hạt lớn, sẫm màu hơn bí mùa hè. Cả hoa, quả và hạt bí đều có thể ăn được.

Lợi:

Hỗ trợ cung cấp vitamin A: Một miếng bí đỏ 90g chứa đủ lượng beta-carotene để cơ thể chuyển hóa thành vitamin A. Vitamin A giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động của các gốc tự do, tốt cho mắt, xương khớp và hệ miễn dịch.

Giảm cholesterol. Bí đao chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp giảm lượng cholesterol có hại (LDL) bằng cách đào thải chúng ra khỏi cơ thể trước khi được hấp thu vào máu.

Ổn định cân nặng. Các loại bí là món ăn tuyệt vời để giúp kiềm chế sự thèm ăn. Su su, bí đao, bí ngòi… có hàm lượng nước cao, rất ít calo nhưng lại chứa đầy đủ vitamin C, folate và beta-carotene mà cơ thể cần.

Ngăn ngừa táo bón. Hạt bí sấy khô có nhiều chất xơ không hòa tan, ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra còn có vitamin B, sắt, kali, kẽm và các khoáng chất khác.

Hại:

Thận trọng khi dùng trà bí đao. Theo Đông y, bí đao có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc. Vì thế, trà bí đao là thức uống được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, một số loại trà bí đao lại thực sự không được làm từ bí đao mà đa số là hương liệu, đường, màu nhân tạo và chất bảo quản.   

Cách dùng:

– Bí đỏ có thể dùng nấu canh, xào hoặc xay nhuyễn nấu súp.

– Bí ngòi là nguyên liệu lý tưởng để cho vào sốt mì spaghetti.

– Canh bầu, canh bí đao giúp thanh nhiệt cơ thể và hỗ trợ giảm cân.

SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ ĐẬU NÀNH (SOY)

Đậu nành là thực phẩm giàu dinh dưỡng và có thể chế biến thành nhiều món. Với lịch sử gần 3.000 năm, đậu nành có vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực nhiều nước. Sản phẩm làm từ đậu nành có kết cấu cứng (đậu hũ), mềm (tàu phớ), dai (mì căn) hoặc lỏng (sữa đậu nành). Đậu nành là nguyên liệu cung cấp protein chính trong chế độ ăn chay.

Lợi:

Tăng cường sức khỏe tim mạch. Thay thế protein động vật bằng protein đậu nành có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, nhờ khả năng làm giảm cholesterol LDL (có hại) mà không gây ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol HDL (có lợi) trong máu.

Ngăn ngừa ung thư. Ở châu Á, nơi đậu nành có nhiều trong chế độ ăn uống, tỷ lệ ung thư vú và tuyến tiền liệt thấp hơn so với các nước phương Tây. Các nhà nghiên cứu cho rằng chất isoflavone có trong đậu nành đã làm giảm tác động của estrogen lên vú và mô tuyến tiền liệt.

Đẩy lùi loãng xương. Chất isoflavone trong đậu nành giúp trì hoãn tình trạng thoái hóa xương và thậm chí còn tái tạo mật độ xương.

Giảm triệu chứng mãn kinh. Phụ nữ ăn thực phẩm từ đậu nành sẽ gặp các triệu chứng mãn kinh ít hơn, đặc biệt là các cơn bốc hỏa.

Phát triển cơ bắp. Protein từ đậu nành chứa tất cả các a-xít amin thiết yếu, có giá trị tương đương với các thực phẩm từ động vật.

Hại:

Khó hấp thu sắt. Thực phẩm làm từ đậu nành có hàm lượng sắt cao, nhưng không được hấp thu tốt. Tình trạng này có thể được xử lý bằng cách nạp thêm vitamin C như nước cam, cà chua, ớt, dâu tây, các loại dưa… vào bữa ăn hàng ngày.

Cách dùng:

– Đậu hũ có thể dùng làm nguyên liệu trong hầu hết các món ăn, nhất là món chay, bất kể luộc, kho, xào, hấp, chiên…

– Sữa đậu nành có thể thay thế sữa tươi dùng làm bánh pudding, panna cotta…

Bài: Lê Lộc
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua