Mời bạn cùng TTGĐ du hành vào thế giới thực phẩm kỳ này. Cùng TTGĐ tìm hiểu qua loạt bài viết về những sự thật thú vị; có thể bạn chưa biết; mặt tốt – xấu; và bí quyết sử dụng đúng cách các loại thực phẩm chúng ta vẫn tiêu thụ hàng ngày.
Kỳ này, hành trình cùng TTGĐ tìm hiểu về những sự thật thú vị; những mặt lợi hại của thực phẩm quanh ta sẽ tiếp tục với ba gương mặt quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của bạn.
Chuyến du hành vào thế giới thực phẩm kỳ này của TTGĐ; sẽ dọn lên bàn tiệc của bạn ba món: củ cải, cơm và nho khô. Cũng là củ cải, nhưng sự thật thú vị khi thì tốt, lúc lại xấu. Cũng là gạo, nhưng sự thật thú vị là cơm màu nào thì chỉ số đường huyết nấy. Cũng là nho, nhưng sự thật thú vị là khi đã khô lại khác xa lúc tươi. Là sao nhỉ, khám phá ngay!
SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ CỦ CẢI (RADISH)
Thuộc họ cải; củ cải có quan hệ “bà con” với cải bắp, cải xoăn và súp lơ. Hương thoảng, vị thanh, ít calo; củ cải là nguyên liệu không thể thiếu trong các món hầm, kho, xào…; và có thể dùng làm món ăn vặt, ăn kèm. Có nhiều loại củ cải, củ cải đỏ phổ biến nhất ở Bắc Mỹ; trong khi củ cải trắng lại thường có trong các món ăn châu Á.
Lợi:
Giảm cân. Năm củ cải tươi chứa đến 5mg vitamin C nhưng chỉ cung cấp 5 calo. Ngoài lượng vitamin C dồi dào, củ cải còn chứa các vi chất khác như sắt, kali và folate.
Giảm nguy cơ ung thư. Giống như các loại rau họ cải khác, củ cải cung cấp các hợp chất lưu huỳnh giúp cơ thể chống ung thư. Một nghiên cứu trên 1.500 người ở Ba Lan đã cho thấy những người ăn nhiều củ cải và hành tây có nguy cơ mắc ung thư dạ dày thấp hơn những người khác.
Hại:
Gây đầy hơi, chướng bụng. Củ cải có thể gây đầy hơi ở một số người nhạy cảm với các loại rau cải khác như bắp cải, bông cải xanh, súp lơ…
Gây dị ứng. Củ cải có chứa salicylate – một hợp chất có thành phần tương tự như hoạt chất có trong thuốc giảm đau aspirin. Người bị dị ứng với thuốc giảm đau aspirin có thể bị dị ứng với củ cải.
Cách dùng:
– Cho vào các món lẩu, canh, súp… để làm ngọt nước lèo.
– Kho, hầm cùng với các loại thịt, cá. Dùng chung với salad.
– Đem muối để dùng với các món bánh nếp.
– Muối chua cùng cà rốt, củ sen để làm kim chi, ăn kèm các món thịt nướng, giò, chả…
SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ GẠO (RICE)
Hàng nghìn năm qua, gạo đã trở thành thực phẩm chủ yếu của một nửa dân số thế giới; nhất là ở các nước châu Á.
Lợi:
Ngăn ngừa ung thư đại tràng. Tiêu thụ gạo lứt (hạt gạo nguyên cám) ít nhất một lần/tuần có thể giảm nguy cơ hình thành polyp đại trực tràng đến 40%.
Kiểm soát bệnh tiểu đường. Gạo lứt giúp giữ lại chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất glucose ở người bị tiểu đường bằng cách cung cấp một lượng glucose vừa đủ và ổn định.
Ngăn chặn thiếu hụt protein ở người ăn chay. Tuy hàm lượng protein của gạo dao động từ 2-2,5mg mỗi nửa cốc, ít hơn so với các loại ngũ cốc khác, nhưng khi ăn kèm cơm với các loại hạt, ngô, đậu… gạo lại tạo ra một loại protein hoàn chỉnh cho cơ thể.
Hại:
Tăng đường huyết. Gạo trắng là nguồn carbohydrate tinh chế dồi dào. Cơm trắng được cơ thể tiêu hóa nhanh chóng, cung cấp nhanh năng lượng và làm tăng lượng đường trong máu. Thế nhưng, giá trị dinh dưỡng và hàm lượng chất xơ trong cơm trắng ít hơn nhiều so với cơm gạo lứt.
Cách dùng:
Ngoài sử dụng để nấu thành cơm ăn hàng ngày như gạo trắng, gạo lứt cũng là thành phần quan trọng trong thực đơn thực dưỡng, có thể dùng để chế biến thành nhiều món như cơm chiên gạo lứt, cơm gạo lứt sấy khô, nước gạo lứt, trà sữa gạo lứt, hủ tiếu gạo lứt…
SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ NHO KHÔ (RAISIN)
Nho khô là món mứt không thể thiếu trong dịp lễ, Tết và là thành phần quen thuộc trong các loại bánh ngọt. Nho khô chứa nhiều chất chống ô-xy hóa giống như nho tươi, nhưng do đã qua sấy khô, mất nước, nên năng lượng của nho khô nhiều hơn. Một nắm nho khô khoảng 30 trái có thể dung nạp vào cơ thể đến 78 calo.
Lợi:
Phòng ngừa bệnh tim mạch. Chất anthocyanin được tìm thấy trong nho đỏ và tím giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nho tươi và nho khô có chứa quercetin, một sắc tố thực vật có khả năng điều chỉnh mức cholesterol trong máu và làm giảm hoạt động của loại tiểu cầu gây hình thành cục máu đông, từ đó làm giảm nguy cơ đau tim ở những người có vấn đề về tim mạch.
Giảm nguy cơ ung thư. Vỏ trái nho đỏ chứa resveratrol và phytochemical, hai chất có khả năng giảm nguy cơ mắc ung thư, cũng như bệnh tim mạch và đột quỵ. Trong nho cũng có a-xít ellagic, được cho là có thể bảo vệ phổi chống lại các độc tố từ môi trường.
Ngăn ngừa chuột rút và thiếu máu. Hầu hết các loại nho tươi lẫn nho khô đều cung cấp một lượng kali và sắt lý tưởng, giúp ngăn ngừa tình trạng cơ bắp bị chuột rút và thiếu máu.
Hại:
Gây ra các cơn hen suyễn. Nho trồng thương mại thường được phun thuốc trừ sâu và xử lý bằng sulfur dioxide để giữ cho màu sắc tươi lâu, kéo dài thời gian bảo quản. Những người mắc bệnh hen suyễn đặc biệt nhạy cảm với các chất này.
Dị ứng. Cũng như củ cải, trong nho có chứa salicylate. Hợp chất tương tự thành phần trong thuốc giảm đau aspirin có tác dụng chống co giật, nhưng sẽ gây ra các phản ứng dị ứng ở người mẫn cảm với thành phần của aspirin.
Cách dùng:
– Làm món mứt tráng miệng.
– Cho thêm vào kem, chè, bánh ngọt… để tăng hương vị.
– Trang trí để các món salad rau củ quả để trông hấp dẫn hơn.
Bài: Lê Lộc
Tiếp Thị Gia Đình