Sự thật thú vị về thực phẩm có thể bạn chưa biết – Kỳ 7

Cùng TTGĐ tìm hiểu qua loạt bài viết về những sự thật thú vị có thể bạn chưa biết, mặt tốt – xấu và bí quyết sử dụng đúng cách các loại thực phẩm.

Con người sống với nhau còn hai mặt, huống gì là thực phẩm. Như nấm tưởng lành nhưng đôi khi lại độc; như ớt tuy cay nhưng lại trị được bệnh dữ; như măng tây đắt nhưng chắc gì đã tốt toàn tập. Mời bạn cùng TTGĐ du hành vào thế giới thực phẩm kỳ này. Cùng TTGĐ tìm hiểu qua loạt bài viết về những sự thật thú vịcó thể bạn chưa biết; mặt tốt – xấu; và bí quyết sử dụng đúng cách các loại thực phẩm chúng ta vẫn tiêu thụ hàng ngày.

Kỳ này, hành trình cùng TTGĐ tìm hiểu về những sự thật thú vị; những mặt lợi hại của thực phẩm quanh ta sẽ tiếp tục với ba gương mặt quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của bạn.

Thế giới thực phẩm thật thú vị không tưởng. Cái lợi của thực phẩm này đôi khi lại là cái hại của thực phẩm khác. Nếu trái hồng, trái thơm giúp bạn ngăn được ung thư, thì khi ăn quá nhiều dưa cải muối chua, ung thư có thể tìm đến bạn. 

SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ TRÁI HỒNG (PERSIMMON):

Là loại trái cây có sắc vàng cam đến đỏ cam, kích cỡ to nhỏ khác nhau tùy giống. Đài hoa thường dính với trái khi chín. Có hai loại chính: hồng giòn (Fuyu) có thể ăn được khi trái còn cứng, có vị ngọt, giòn và ăn được cả vỏ; hồng mòng (Hachiya) có lượng tannin cao khi còn xanh nên vị chát, phải đợi chín mềm mới ăn được.

Lợi:

Giảm nguy cơ ung thư: Trong trái hồng có nhiều vitamin A, giúp điều chỉnh chức năng của tế bào, đảm bảo sức khỏe cho mắt và giảm nguy cơ ung thư.

Tăng cường hệ miễn dịch: Vitamin C – chất chống ô-xy hóa mạnh mẽ trong trái hồng giúp chống lại các gốc tự do có hại, tăng cường hệ miễn dịch và chống nhiễm trùng.

Giảm huyết áp: Trái hồng là nguồn cung lý tưởng kali; giúp cải thiện huyết áp bằng cách ngăn chặn tác hại từ natri. Kali cũng giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận và loãng xương.

Hỗ trợ tiêu hóa và giảm cân: Giống như các loại trái cây khác, hồng là một nguồn cung chất xơ dồi dào, giúp cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng táo bón và làm bạn cảm thấy no lâu.

Hại:

Gây khó tiêu: Ăn quá nhiều hồng một lúc có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng hoặc thậm chí tiêu chảy.

Cách dùng:

Ăn tươi hoặc dùng kèm salad.

Hồng phơi khô có thể đem làm rượu, giấm, mứt, gia vị nấu ăn…

SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ DƯA MUỐI, CẢI CHUA, KIM CHI… (PICKLE):

Trước khi tủ lạnh ra đời, muối chua là cách làm phổ biến để bảo quản thực phẩm trong thời gian dài. Tùy vào thực phẩm (rau cải, dưa chuột, cà rốt, củ kiệu, củ cải…) mà người ta chọn thành phần (nước muối, giấm, đường, men…) để ngâm, muối chua.

Lợi:

Tăng cường vitamin C: Trong quá khứ, sauerkraut (một loại bắp cải muối của Đức) đã được sử dụng để ngăn ngừa bệnh Scurvy (một căn bệnh gây ra do thiếu hụt vitamin C; với triệu chứng chảy máu chân răng, chậm lành vết thương, xuất huyết dưới da…). Ngày nay, các loại rau cải muối chua; vẫn được xem là nguồn cung cấp tuyệt vời vitamin C, vitamin B, sắt, can-xi, kali và các chất xơ hữu ích cho hệ tiêu hóa.

Hỗ trợ giảm cân: Trong khi hầu hết các loại thực phẩm ngâm khác như thịt hộp, cá hộp, xúc xích… đều dễ gây tăng cân, thì dưa muối chua lại cung cấp rất ít calo và gần như không có chất béo gây hại.

Hại:

Có nguy cơ gây ung thư: Một chế độ ăn uống có nhiều thức ăn ngâm, muối chua và gia vị có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày và thực quản. Nguyên nhân được cho là từ mức độ nitrat cao trong các loại thực phẩm này khi tiêu hóa; dễ bị chuyển thành chất gây ung thư có tên là nitrosamines.

Tăng huyết áp: Hàm lượng muối cao trong hầu hết các loại dưa muối chua có thể gây hại cho người bị cao huyết áp hoặc đang áp dụng chế độ ăn ít muối.

Cách dùng:

Ăn kèm các món thịt, chả, trứng, burger, pizza, bánh mì… để chống ngán.

Cho thêm vào salad để làm tăng hương vị.

SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ TRÁI THƠM (PINEAPPLE):

Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thơm là loại trái cây được trồng ở hầu hết các vùng nhiệt đới trên toàn thế giới. Thơm có thể được ăn tươi, đông lạnh hoặc sấy khô. Phần lớn các cây thơm được trồng trên diện rộng; là để cung cấp cho ngành công nghiệp thực phẩm đóng hộp.

Lợi:

Giảm nguy cơ ung thư: Thơm rất giàu a-xít ferulic – một chất giúp ngăn chặn hình thành các hợp chất gây ung thư.

Ngăn ngừa đau tim và đột quỵ: Bromelain – một loại enzyme có nhiều trong thơm, là chất chống viêm hiệu quả. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy chất này có thể làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, từ đó giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Hỗ trợ quá trình trao đổi chất: Thơm cung cấp nhiều mangan cần thiết cho cơ thể. Mangan đóng một vai trò quan trọng trong sự trao đổi chất chất béo, cholesterol, protein trong cơ thể; đồng thời tham gia vào quá trình hình thành xương khớp và chữa lành vết thương.

Hại:

Gây dị ứng: Ngoài khả năng chống viêm đã được chứng minh, chất bromelain trong thơm cũng có thể gây kích ứng da hoặc viêm da dị ứng ở những người mẫn cảm nếu tiếp xúc trực tiếp.

Gây tổn thương niêm mạc: Với những ai đang bị nhiệt miệng, bị lở loét ở các vùng bên trong khoang miệng… tốt nhất là hãy tránh xa những miếng thơm chua chua, ngọt ngọt hấp dẫn trên đĩa tráng miệng.

Cách dùng:

Ăn tươi, làm nước ép trái cây, sinh tố…

Làm mứt ăn với bánh mì nướng…

Ăn kèm salad, thịt và hải sản nướng.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua