Mời bạn cùng TTGĐ du hành vào thế giới thực phẩm kỳ này. Cùng TTGĐ tìm hiểu qua loạt bài viết về những sự thật thú vị; có thể bạn chưa biết; mặt tốt – xấu; và bí quyết sử dụng đúng cách các loại thực phẩm chúng ta vẫn tiêu thụ hàng ngày.
Kỳ này, hành trình cùng TTGĐ tìm hiểu về những sự thật thú vị; những mặt lợi hại của thực phẩm quanh ta sẽ tiếp tục với ba gương mặt quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của bạn.
Lẩu dê, rau muống xào tỏi, trà gừng. Nghe thôi đã thấy ấm lòng ngày đông. Đằng sau những hương vị dân dã, gần gũi ấy là những sự thật gì? Bổ thế nào? Hại ra sao? Cùng TTGĐ tìm hiểu nhé!
SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ TỎI (GARLIC)
Tỏi không chỉ là gia vị trong nấu nướng mà còn được xem như bài thuốc quý mang lại nhiều lợi ích không ngờ cho sức khỏe.
Lợi:
Cải thiện hệ miễn dịch: Tỏi có chứa một lượng vitamin C cao, giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Ăn tỏi thường xuyên là cách giúp cơ thể chống chọi lại nhiều bệnh, đặc biệt là cảm lạnh.
Giảm huyết áp: Tỏi có nhiều chất chống ô-xy hóa và allicin. Cả hai hợp chất này đều có khả năng làm giảm lưu lượng máu chảy vào động mạch. Do đó, tỏi rất hiệu quả đối với những người có nguy cơ tăng huyết áp.
Điều trị viêm xoang: Tỏi có thể hỗ trợ điều trị viêm xoang bằng tác dụng giảm viêm hiệu quả. Do đó, những người bị viêm xoang nếu bổ sung tỏi thường xuyên cũng giúp ích rất nhiều trong việc giảm các chứng đau đầu, viêm xoang.
Xoa dịu viêm họng do cúm: Tỏi có tính sát khuẩn mạnh, nên việc ăn tỏi vào thời điểm bị cảm cúm giúp ích rất nhiều. Bạn có thể nhai vài tép tỏi sống hoặc trộn tỏi với nghệ để làm lành cổ họng nhanh hơn.
Hại:
Ngộ độc: Tỏi cất giữ quá lâu trong tủ lạnh, lên mầm… sẽ dễ gây ngộ độc nếu ăn. Khi bị ngộ độc tỏi, dấu hiệu dễ nhận thấy là khó chịu trong dạ dày, nặng hơn thì có thể dẫn tới tử vong.
Dị ứng: Nếu ăn tỏi mà thấy các dấu hiệu như ợ nóng, đầy hơi… thì rất có thể bạn đã bị dị ứng với tỏi, tốt nhất là nên ngưng ăn.
Gây khó khăn cho hệ tiêu hóa: Ăn nhiều tỏi, nhất là tỏi sống sẽ khiến cho hệ tiêu hóa gặp rắc rối, ví dụ như gây kích ứng hoặc làm tổn thương dạ dày, ruột… Ăn tỏi lúc đang đói hoặc chỉ ăn tỏi mà không ăn kèm các loại thực phẩm khác thì rất dễ dẫn đến loét dạ dày. Bởi chất allicin (một thành phần của tỏi) dễ khiến cho đặc tính kháng sinh phát tác, dẫn đến tình trạng nóng dạ dày.
SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ DÊ (GOAT)
Thịt dê là món ăn ngon hấp dẫn được rất nhiều người ưa thích. Trong Đông y, các bộ phận từ con dê đều có thể được chế thành thuốc bổ hoặc thuốc chữa bệnh.
Lợi:
Thịt dê chứa nhiều loại vitamin B, giúp đốt cháy chất béo. Ngoài ra, thịt dê còn có hàm lượng cao các protein nạc và hàm lượng thấp chất béo bão hòa, giúp kiểm soát cân nặng, làm giảm nguy cơ béo phì.
Thịt dê có chứa selenium và choline, có lợi trong việc phòng ngừa ung thư. Thịt dê giúp phục hồi sắt ở phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh.
Thịt dê có chứa hàm lượng cao vitamin B12, giúp bạn có được làn da khỏe mạnh. Thịt dê làm tăng sản xuất tế bào mới, do đó làm chậm quá trình lão hóa.
Hàm lượng vitamin B12 cao trong thịt dê giúp đẩy lùi căng thẳng và trầm cảm.
Theo y học cổ truyền, thịt dê không chỉ là món ăn bổ dương tốt cho quý ông, mà còn rất tốt cho phụ nữ trong việc củng cố sức khỏe và phong độ phòng the.
Hại:
Thịt dê có tính nóng, ngọt, nếu ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể. Đặc biệt, nếu cơ thể đang sốt, nhiễm trùng, viêm gan… thì ăn thịt dê sẽ khiến cho bệnh trầm trọng thêm.
Người bị lở miệng, loét lưỡi, đau mắt đỏ, miệng đắng, yết hầu đau, khô, nhức mỏi, sưng chân răng, đau bụng đi ngoài… nên tránh ăn thịt dê để bệnh không tiến triển nặng hơn.
SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ GỪNG (GINGER)
Gừng vừa là gia vị, vừa là thuốc.Gừng chứa nhiều chất dinh dưỡng và các hợp chất có hoạt tính sinh học tốt cho cơ thể.
Lợi:
Chống viêm: Ăn gừng có tác dụng chống viêm, ngăn ngừa lở loét, đau sưng hiệu quả.
Giảm đau đầu: Nhai một lát gừng tươi khoảng 30 phút giúp giảm đau đầu và đau nửa đầu.
Gừng có tác dụng giảm lượng cholesterol. Người sử dụng gừng thường xuyên trong một thời gian có nồng độ cholesterol trong máu giảm rõ rệt.’
Các chuyên gia y tế yêu cầu bệnh nhân tiểu đường uống trà gừng vào buổi sáng sớm, vì gừng giúp giảm lượng đường trong máu.
Tinh dầu gừng giúp cải thiện trạng thái căng thẳng, chóng mặt, bồn chồn, lo lắng và trầm cảm.
Chống chứng say xe, tàu, ốm nghén: Ăn gừng tươi trước khi đi tàu, xe khách, máy bay… có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng say tàu xe.
Trị ngộ độc thực phẩm: Gừng có tính sát trùng nên được dùng để điều trị ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, gừng còn có thể trị nhiễm trùng đường ruột và kiết lỵ do vi khuẩn.
Chữa rối loạn hô hấp: Gừng làm tiêu đờm, tốt cho đường hô hấp, trị ho, cảm cúm, viêm phế quản, hen suyễn và khó thở hiệu quả.
Hại:
Nếu sử dụng với liều lượng nhỏ, gừng sẽ giúp xoa dịu tình trạng khó chịu ở dạ dày. Nhưng khi dùng quá nhiều, gừng có thể dẫn tới những triệu chứng như ợ nóng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…
Gây loãng máu: Gừng được cho là có tác dụng tương tự aspirin. Chúng có thể làm chậm quá trình đông máu và gây loãng máu.
Gừng kích thích cơ thể tiết ra mật. Do đó, bệnh nhân sỏi mật được khuyên không nên dùng gừng để tránh gia tăng các cơn đau.