Máy giặt là thiết bị quen thuộc với mọi gia đình. Tuy nhiên, sử dụng máy giặt đúng cách để máy vận hành tốt; và phát huy tối đa hiệu quả làm sạch quần áo thì không phải ai cũng biết. Đó là lý do bạn nên đọc bài viết này!
Loại bỏ 5 lầm tưởng sau đây để sử dụng máy giặt đúng cách
Lầm tưởng 1: Dùng bột giặt hay nước giặt đều như nhau!
Nước giặt và bột giặt đều là những chất tẩy rửa, có khả năng đánh bay vết bẩn trên quần áo rất tốt. Tuy nhiên, bột giặt lại bộc lộ nhiều nhược điểm khi sử dụng chung với máy giặt.
Bột phải hòa tan trong nước trước khi giặt. Bởi nếu bỏ trực tiếp vào máy, bột thường sót lại cặn và dính trên lồng máy lẫn quần áo.
Bên cạnh đó, bột thường tạo ra nhiều bọt. Một số người nghĩ rằng việc tăng lượng bột giặt sẽ làm cho quần áo được sạch hơn. Tuy nhiên, điều này lại dễ khiến bọt trào ra bên ngoài lồng giặt, tràn đến mô tơ, mạch điều khiển. Điều đó có thể khiến máy nhanh hỏng.
Nước giặt có thể đổ trực tiếp lên quần áo, hòa tan tốt kể cả khi bạn giặt bằng máy hoặc bằng tay. Nước giặt cũng tạo ra ít bọt. Dung dịch tẩy rửa này thích hợp giặt quần áo ít bẩn, đồ mặc đi làm văn phòng; và tối ưu cho máy giặt khi vận hành.
Lầm tưởng 2: Giặt bằng nước nóng hay lạnh đều như nhau!
Thông thường, chúng ta ít quan tâm đến chế độ giặt nước nóng của máy giặt. Trên thực tế, nước nóng giúp hòa tan bột giặt dễ dàng. Nhờ đó, chúng thấm vào quần áo tốt hơn và hiệu quả giặt tẩy sẽ được tăng cường. Đặc biệt, khi ngâm trong nước nóng, những sợi vải sẽ giãn nở; vết bẩn bám trên bề mặt vải dễ dàng bị đánh bay.
Lưu ý, nước nóng có xu hướng làm thuốc nhuộm dễ bong ra khỏi sợi vải, làm phai màu quần áo đen, sẫm màu. Do đó, bạn không nên giặt quần áo màu với nước nóng. Sử dụng nước lạnh hoặc ấm sẽ giúp giữ màu quần áo tốt hơn.
Tùy chất liệu vải có mức nhiệt độ nước khác nhau.
30 – 40°C: vải cotton, vải mỏng, đồ len, đồ dễ ra màu. Vải càng mỏng thì càng nên sử dụng nhiệt độ thấp, như vậy sẽ giữ được độ bền tốt hơn.
40 – 60°C: các loại vải sợi tổng hợp, khăn tắm, tã trẻ em hay chăn bông.
60 – 95°C: nước ở mức nhiệt độ nóng rất phù hợp với đồ của trẻ sơ sinh, quần lót dày, đồ ngủ… Những loại quần áo này chứa nhiều vi khuẩn nên không chỉ cần được giặt sạch vết bẩn, mà còn phải tiêu diệt được một số loại vi khuẩn.
Lầm tưởng 3: Phân loại quần áo hay không đều như nhau!
Một trong những cách sử dụng máy giặt đúng cách là phân loại quần áo. Nó vừa giúp giặt sạch hơn; vừa bảo vệ được lồng giặt tránh khỏi những va chạm với những dị vật sót lại trong quần áo. Có 3 cách để phân loại quần áo: màu sắc (sáng màu hoặc tối màu), chất liệu vải và độ dày, loại quần áo (đầm, váy, áo lạnh…)
Trước khi đưa vào máy giặt, bạn cần kéo khóa quần áo, gỡ tất bị cuộn; giũ thẳng các ống quần cũng như ống tay áo, lộn trái áo len… Với những chất liệu vải dễ rách hoặc giãn, có thể cho vào túi giặt để bảo vệ đồ.
Đối với đồ lót, các loại quần áo mỏng, có nhiều chi tiết, bạn nên giặt chung trong túi giặt chuyên dụng. Như vậy sẽ đảm bảo được phom dáng và chi tiết ban đầu của quần áo.
Sử dụng máy giặt đúng cách, một lưu ý quan trọng đối với người dùng máy giặt chính là không nên giặt quá nhiều hoặc quá ít. Lượng quần áo phải phù hợp thì máy giặt mới phát huy hiệu năng tốt nhất. Giặt quá nhiều có thể sẽ làm quần áo không sạch và khiến máy trở nên quá tải. Giặt quá ít sẽ lãng phí điện, nước và làm quần áo nhanh hỏng.
Lầm tưởng 4: Áp lực nước nhanh hay chậm đều như nhau!
Mặc dù lượng nước vẫn chảy đủ vào lồng giặt để máy vận hành; nhưng áp lực nước yếu không chỉ khiến chu trình giặt xả diễn ra chậm hơn. Theo thời gian sẽ khiến máy báo lỗi và không hoạt động. Đây không phải là sử dụng máy giặt đúng cách. Tình trạng này thường gặp với những hộ gia đình đang sử dụng nước từ bồn chứa không đặt đủ độ cao.
Giải pháp hiện nay được nhiều gia đình áp dụng là sử dụng máy bơm tăng áp. Đây là loại máy bơm nước được sử dụng cho mục đích tăng áp lực nước lưu thông trong đường ống; làm cho nước chảy ra các đầu vòi sử dụng được mạnh hơn, nhiều hơn.
Lầm tưởng 5: Máy giặt cửa trước và cửa trên đều như nhau!
Thị trường máy giặt có hai “đối thủ” là máy cửa trên (lồng đứng) và máy cửa trước (lồng ngang). Hai dòng máy này khiến người dùng băn khoăn khi lựa chọn và hiểu lầm rằng chúng có cùng hiệu quả giặt giũ. Trên thực tế, máy giặt cửa trước luôn đắt tiền hơn máy cửa trên. Và tất nhiên, hiệu quả đem lại cũng cao hơn rất nhiều!
Cùng một khối lượng quần áo được đưa vào thử nghiệm, sử dụng cùng nước giặt và chế độ giặt bảo vệ vải chuyên biệt của máy; kết quả lại hoàn toàn khác biệt. Hình ảnh phóng to của sợi vải đũi trước và sau 30 lần giặt cho thấy máy cửa trước không làm xù sợi vải. Sở dĩ có sự khác biệt này là do cấu tạo và chức năng khác biệt của máy giặt lồng ngang. Nhờ cấu trúc quay ly tâm, quần áo trong máy giặt lồng ngang được đảo đều hơn; không bị xoắn chặt giúp giảm hư hỏng, nhăn, giãn hay rách.
Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy máy giặt cửa trước tiết kiệm nước hơn “đối thủ” cửa trên đến 60%. Xét về khả năng vắt khô, máy giặt cửa trước có tốc độ quay rất nhanh, có thể lên đến 1.000 vòng/phút. Trong khi máy cửa trên là khoảng 600 vòng/phút. Điều này khiến quần áo được vắt khô hơn, không phải phơi sấy lâu.
Bạn có biết?
Nhìn chung, máy giặt cửa trên chỉ có những chức năng rất cơ bản mà không có thêm các tính năng phụ. Do đó, ưu điểm của loại máy này là dễ sử dụng. Trong khi đó, máy giặt cửa trước được tích hợp nhiều các tính năng phụ trợ hiện đại như giặt bằng nước nóng, sấy khô, giặt hơi nước, nhiều tác động quay như đập, nén, chà xát, nhào trộn, đảo mô phỏng động tác giặt của tay người, gia tăng đáng kể hiệu quả giặt và bảo vệ áo quần.
Bài: Nou
Tiếp Thị Gia Đình