Những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ về sự cố cá chết cho ngư dân miền Trung cũng chỉ giúp họ được giảm bớt một phần khó khăn chứ không đủ trang trải cuộc sống. Người dân vùng biển đang rất mong muốn biển được sạch trở lại để có thể ra khơi đánh cá, tìm nguồn tài chính ổn định, nuôi sống gia đình.
Anh An (49 tuổi, ở khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng, Quảng Trị) nói: “Tiền bạc ăn mấy cũng hết, ngư dân như tôi chỉ mong ngư trường được trở lại để ra khơi, chứ không trông mong vào các khoản đền bù, trợ cấp. Biển được an toàn, cá sạch là chúng tôi yên tâm ra khơi, không làm gánh nặng cho Nhà nước nữa”.
Sau sự cố cá chết ở miền Trung, nhiều ngư dân ở tỉnh Hà Tĩnh đã phải bỏ biển để ra phố kiếm sống. Một ngư dân thuộc xã Kỳ Phương chia sẻ: “Mọi năm, vào thời điểm này là mùa đánh bắt cá, các tàu ghe luôn cập bến đầy ắp cá. Năm nay thì hết rồi, các loại cá, mực vùng biển có lẽ không chịu được nước bẩn nên bỏ đi hoặc chết hết khiến chả ai buồn ra khơi.”.
Những người dân ở các làng chài Hoàng Hồng cho biết thêm: “Cá mực ra khơi được đánh bắt về bây giờ cũng chẳng ai mua, không ai ăn thì cũng phải bỏ”. Vợ chồng ngư dân Chu Văn Hợi ở làng chài Hải Phong đã phải đi nhặt chai nhựa ở biển để đi bán phế liệu nhằm kiếm sống.
Các ngư dân đang mong ngóng thông tin về nguyên nhân cá chết để có thể bắt đầu đánh cá trở lại sau nhiều ngày không kiếm được một đồng nào vì tàu nằm bờ. Những hoàn cảnh trên đã cho thấy được sự khao khát được ra khơi của người dân vùng biển.
Theo thông tin được biết từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh, tỉnh này hiện có 3.208 số tàu đã quay trở lại ra khơi trong tổng số 5.031 chiếc tàu, nhưng trong đó chỉ có 188/263 tàu khai thác xa bờ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát hơn 605 tấn gạo cho 6.388 hộ ngư dân bị ảnh hưởng.
Sau sự cố cá chết ở miền Trung đã được rất nhiều sự quan tâm của công chúng cũng như các cơ quan chức năng. Sau gần 2 tháng vào cuộc điều tra, tìm kiếm nguyên nhân, Chính phủ sẽ chính thức công bố nguyên nhân cá chết vào chiều nay ( 30−6).
Bài: Ngọc Khuê
Tiếp Thị Gia Đình