Sốt phát ban là bệnh gì?
Thông thường, bố mẹ Việt hay nhầm lẫn bệnh sốt phát ban với bệnh sởi. Tuy nhiên, căn bệnh này dễ gặp ở trẻ em và có rất nhiều trường hợp nhẹ, tự khỏi. Bệnh sốt phát ban do siêu vi human herpes 6 (HHV6) hoặc human herpes 7 (HHV7) gây ra. Mùa thu đông với thời tiết chuyển lạnh là thời điểm dễ phát bệnh. Đối với người lớn và trẻ nhỏ, những dấu hiệu bệnh khá tương đồng. Vậy sốt phát ban kiêng ăn gì, chăm sóc như thế nào?
Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt (có thể kéo dài 3–7 ngày), trẻ em có thể đau họng, sổ mũi, có trường hợp sưng hạch ở cổ. Những vết mẩn đỏ (ban) xuất hiện trên cơ thể theo từng điểm hoặc các mảng nhỏ, chung quanh có quầng trắng. Ban nổi ở các khu vực như ngực, lưng, bụng và cổ, cánh tay, đôi khi là mặt. Những vết này không gây ngứa và có thể kéo dài từ vài tiếng cho đến vài ngày tùy tình trạng. Một số khác có thể bị mệt mỏi, tiêu chảy, sưng mí mắt, kém ăn…
Sốt phát ban kiêng ăn gì và chăm sóc ra sao?
Bệnh sốt phát ban có nguy cơ lây lan cao nên khi bệnh nhân có dấu hiệu sốt, cần cách ly ở phòng riêng, đưa đến khám tại các cơ sở y tế nếu thấy sốt cao. Khi xác định được bệnh, cần giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Quan niệm kiêng tắm, kiêng nước rất sai lầm.
Ngược lại, da đang trong tình trạng không khỏe mạnh càng cần được vệ sinh sạch sẽ bằng nước ấm để tránh tình trạng viêm nhiễm. Sức đề kháng kém, đặc biệt ở trẻ em không ý thức được việc gãi khi ngứa, rất dễ dẫn đến tình trạng viêm da, nặng thì bội nhiễm, cực kỳ nguy hiểm. Thay vào đó, hãy lau người cho bệnh nhân bằng nước ấm. Đặc biệt với trẻ nhỏ, cần thận trọng, dùng khăn lau từng phần cơ thể, từ mặt, cổ cho đến tay, ngực, bụng và hai chân. Cuối cùng thấm khô và quấn khăn ấm cho trẻ, thao tác nên nhanh và nhẹ nhàng.
Tương tự, kiêng ăn cũng là một sai lầm của người Việt. Sốt phát ban kiêng ăn gì, bạn đừng quá quan tâm đến lời đồn thổi. Kiêng ăn, với trẻ em, dễ khiến bé bị suy dinh dưỡng, cộng với tình trạng sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm trùng.
Bệnh nhân nên được cho ăn nhiều bữa, bằng các món dễ tiêu như cháo, súp, bổ sung sữa. Nên uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ép trái cây tươi để bổ sung vitamin cần thiết.
Trẻ em bị sổ mũi có thể làm thông mũi bằng nước muối loãng và khăn giấy. Đối với trẻ bị sốt, có thể cho uống thuốc hạ sốt theo đơn bác sĩ, bổ sung các loại thuốc ho nguồn gốc thảo dược như tắc chưng đường phèn, gừng – mật ong…
Bài: Vân Anh
Tiếp Thị Gia Đình