Sinh viên xúc phạm người khác trên mạng sẽ bị buộc thôi học. Đây là quy chế mới sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 23−5 và thay thế những quy định về sinh viên và công tác sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học trước đây.
Quy chế này quy định cụ thể những điều mà sinh viên không được làm bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác.
Nếu sinh viên vi phạm trong việc bình luận, chia sẻ hình ảnh, bài viết có nội dung xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên internet; có hành động quấy rối, dâm ô, xâm phạm nhân phẩm, đời tư người khác…thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, sinh viên sẽ bị giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi được ban hành, quy chế sinh viên xúc phạm người khác trên mạng bị buộc thôi học đã gây ra những ý kiến trái chiều.
Theo tiến sỹ − luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, pháp luật bảo vệ rất nghiêm ngặt danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Pháp luật quy định bất kì cá nhân nào có hành vi gây tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác đều phải bồi thường thiệt hại cho bên bị xúc phạm. Với đối tượng sinh viên, họ không những phải tuân theo pháp luật nhà nước mà còn phải chịu hình thức kỷ luật của nhà trường. Hình thức kỷ luật có thể là bị đuổi học và xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ.
Trái ngược với ý kiến của luật sư Trạch, thạc sỹ tâm lý học Lê Thị Minh Hoa cho rằng, nhà trường chỉ nên dừng ở mức độ nhắc nhở, giáo dục sinh viên, giúp sinh viên tham gia mạng xã hội an toàn, hiệu quả và giúp họ ý thức được tầm ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng của việc phát ngôn, chia sẻ bừa bãi.
Tiếp Thị Gia Đình nghĩ, bản thân các sinh viên là các công dân trên 18 tuổi, họ cần phải tự chịu trách nhiệm với mỗi lời nói, hành động của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả pháp lí do những lời nói, hành động của mình gây ra.
Bài: K. Huyền
Tiếp Thị Gia Đình