Shipper: Công việc có giá nhưng cũng nhiều góc khuất

Chỉ cần một cuộc điện thoại hoặc giao dịch trên mạng, bạn sẽ mua và sở hữu món hàng mà không cần đội mưa nắng ra đường vì đã có shipper (người giao hàng). Shipper trở thành công việc có giá trong thời buổi mua hàng online lên ngôi!

“Cần shipper vận chuyển đơn hàng từ 629 Kim Mã đến Ngã Tư Sở, ứng 1.200k, ship 30k, ai nhận gọi ngay 0969…”. Mẩu rao vặt được đăng lên fanpage “Ship tìm người – Người tìm ship” ngay lập tức thu hút 5–6 người vào nhận việc và chốt đơn hàng. Để không vuột mất đơn hàng “ngon”, shipper gần như online liên tục.

LÊN XE LÀ CÓ TIỀN?

Để hành nghề, shipper cần thông thạo phố xá, có xe máy và điện thoại để chế độ online. Ai cũng có thể làm nghề này bởi nhu cầu tìm người ship hàng là rất lớn, thời gian không gò bó và thu nhập khá. Nói chung, shipper cứ chịu khó, lên xe là có tiền!

Bởi hàng ngày đến công ty phải qua nhiều tuyến phố khác nhau nên anh Lê Xuân Sơn (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) đã nhận ship hàng sau giờ làm việc. Kiếm đơn hàng qua các hội Ship trên Facebook, mỗi chiều anh nhận 2 – 5 đơn hàng. Mỗi đơn hàng có tiền công từ 20.000 – 50.000 đồng, tùy khoảng cách và khối lượng vận chuyển. “Việc ship đúng giờ tan tầm, tắc đường, khói bụi khá vất vả. Song, đằng nào cũng một công đi về, chịu khó một chút đến 8 giờ tối là tôi có thêm phí để tiêu vặt”, anh Sơn nói.

Với cánh sinh viên, shipper là một nghề làm thêm khá hấp dẫn. Ngoài giờ học, bạn Nguyễn Ngọc Kỳ Anh (sinh viên trường Trung cấp Du lịch & Khách sạn Saigontourist) đã làm thêm kín cả ngày. Mỗi buổi, em nhận ship 5 đơn hàng cho shop mỹ phẩm là có 150.000 đồng. Có tuần em thu nhập đỉnh điểm được 1,8 triệu đồng. Hôm nào nhiều đơn hàng, em “bắn” đơn cho bạn khác để không bị quá tải. Vui nhất là những lúc đi đường xa được khách “boa” nữa.

Thấy nghề ship có thu nhập tốt, nhiều bạn trẻ đã thành lập nhóm ship. Nguyễn Thịnh, trưởng nhóm Giao hàng siêu tốc cho biết hiện tại nhóm Thịnh đang có 8 shipper chính thức. Các bạn là sinh viên, người bảo vệ dân phố, nhạc công đường phố đi làm kiếm thêm thu nhập. Mỗi người có thu nhập 5 – 8 triệu đồng/tháng, tùy vào số lượng đơn hàng.

CUỘC CHIẾN GIÀNH ĐƠN HÀNG

shipper hinh anh 3

Tuy chỉ là nhận đơn hàng, giao hàng cho khách và nhận tiền nhưng các shipper cũng gặp nhiều áp lực.

Để tránh bị say nắng, vật bất ly thân của Kỳ Anh mỗi khi lên đường là chiếc áo chống nắng và chai nước lọc. Tuy nhiên, cơn ác mộng với shipper chính là khi “tìm nhà của thượng đế và chờ đợi”. “Khách hàng gọi điện thoại giục, mình phi hộc tốc đến, gọi điện thoại thì khách tắt hoặc không nghe máy. Lúc đó, shipper đợi mòn mỏi vì sợ đi rồi khách gọi giật ngược trở lại. Chờ nửa tiếng không gọi được thì đành bấm bụng về. Khách ở gần còn đỡ, có khách ở xa tít mù vẫn kỳ kèo giảm 5–10 ngàn đồng tiền công ship. Được tiền công, shipper tụi em còn trừ chi phí xăng xe, điện thoại, công đi lại. Đấy chưa kể là những lúc không may bị công an hỏi thăm hoặc cán phải cái đinh làm bục săm lốp”, chàng sinh viên bộc bạch.

Mặt khác, shipper còn phải đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo khi tìm đơn hàng trên Internet. Mặc dù có thể thu được 500.000 – 600.000 đồng/ngày nhưng anh Thanh Tùng cũng lo lắng. “Bây giờ, lừa đảo rất nhiều. Hầu như shop nào cũng yêu cầu shipper ứng trước tiền hàng. Nếu chẳng may shipper vớ phải shop “ma”, hàng giả, khách ảo là coi như cày cả tháng chẳng bù lại được số tiền đã ứng ra. Cho nên tôi chỉ nhận những đơn có địa chỉ, số điện thoại rõ ràng, tiền hàng không quá lớn. Sau khi gọi điện thoại kiểm tra lại với chủ shop đăng tin, nếu thấy đủ tin cậy, tôi sẽ qua nhận hàng, nhận đơn, báo lại với khách ngày giờ ship rồi mới lên đường”, Tùng nói. Thu nhập khá nhưng thâm tâm Tùng vẫn có chút mặc cảm, vì dù sao bản thân cậu từng là kỹ sư xây dựng.

Từng là người bán hàng online, làm shipper rồi mở dịch vụ giao hàng, chị Nguyễn Thùy Linh (quản lý dịch vụ Giao hàng An Khánh) nhận thấy nếu chăm chỉ, shipper có thể thu nhập 10 – 12 triệu đồng/tháng. Song, chị cũng phải thừa nhận mặc dù đây là công việc lao động phổ thông, không yêu cầu bằng cấp nhưng nó vô cùng phức tạp. “Bởi ai cũng có thể bước vào “cuộc chiến” ship hàng, tranh nhau từng đơn hàng, tự hạ giá ship để câu khách, đó đang là những chiêu mà các chiến binh của cuộc chiến ship hàng ưa dùng”, Linh cho hay. Nhiều shipper phải xoay sở bằng cách tụ tập lại thành nhóm hỗ trợ nhau làm việc, tạo uy tín trên cộng đồng mua bán online để có thêm mối hàng.

CÔNG VIỆC THỜI VỤ?

shipper hinh anh 2

Các shipper luôn muốn phục vụ khách mua hàng một cách tốt nhất để khách luôn thoải mái. Song, nghề shipper cũng lắm khó khăn, vất vả nên rất cần sự thông cảm của khách mua hàng.

Có người cho rằng công việc shipper ở Việt Nam hiện vẫn chỉ là một cái “cần câu cơm”, làm thời vụ trong lúc rảnh rỗi, chờ việc làm tốt hơn chứ không ai muốn gắn bó lâu dài. Cộng thêm tình trạng lừa đảo ship lừa – lừa ship, cho nên công việc này hiện vẫn chưa được nhiều người coi trọng.

Nguyễn Thịnh, trưởng nhóm Giao Hàng Siêu Tốc, bày tỏ: “Để shipper trở thành nghề chuyên nghiệp cần có cách quản lý thật chuyên nghiệp và có sự tương tác giữa shop và ship. Bên cạnh đó khách hàng cũng nên thông cảm cho khó khăn của các bạn đi giao hàng, đừng đưa ra những điều kiện khắt khe, gây thêm khó khăn cho shipper. Suy cho cùng, shipper nào cũng phục vụ, muốn khách hàng nhận hàng hóa nhanh chóng”. Khắc phục vấn nạn mạo danh shipper để lừa đảo, theo Thịnh, các shop nên liên lạc trực tiếp với quản lý nhóm để chắc chắn là ship ảo hay ship thật. Và nếu cảm thấy không thật sự tin tưởng thì không nên giao tài sản cho các cá nhân đó.

Theo dõi thị trường vận chuyển 3 năm nay, Thùy Linh (quản lý dịch vụ Giao hàng An Khánh) nhận thấy mọi người không còn xa lạ khi nhắc đến “Shipper”. Chị quan niệm: “Shipper cũng là một nghề. Hàng ngày đi ngoài đường khi nắng to đổ lửa hay mưa lụt, bạn vẫn thấy bóng dáng những người giao hàng như con ong chăm chỉ. Thương mại điện tử phát triển, mua hàng online trở nên phổ biến. Các bạn trẻ có thể mở cửa hàng online mà không đầu tư nhiều về cơ sở vật chất. Người bán hàng tăng lên và nhu cầu mua hàng cũng xuất hiện và từ đó tạo ra shipper. Họ làm việc có thu nhập và giúp cuộc mua bán thuận tiện thì tại sao lại không được công nhận?”

Để tránh công việc bị chồng chéo và sập bẫy lừa đảo, Linh đã đưa ra cách thức hoạt động và thanh toán: Đơn hàng từ khách sẽ có bộ phận xác nhận, xử lý thông tin. Mọi công việc sẽ được bộ phận này đảm nhiệm và phân bổ để tránh nhầm lẫn trong quản lý. Sau đó, shop sẽ gửi thông tin cho shipper qua điện thoại. Việc này giúp shipper thuận tiện đáp ứng được cả những đơn hàng yêu cầu thời gian cụ thể và giao nhanh. Linh khẳng định: “Chúng tôi ứng trước 100% số tiền hàng cho bên bán và sẽ thu lại của bên mua cộng với phí vận chuyển nhằm tiết kiệm thời gian và công sức. Tất nhiên, các bên bán hàng phải qua các bước xác minh để đủ điều kiện thanh toán như vậy, nếu không đáp ứng đủ yêu cầu thì chúng tôi chỉ chấp nhận vận chuyển mà không ứng tiền trước”.

BẠN LÀ SHIPPER, LÀM SAO ĐỂ KHÔNG BỊ LỪA?

♣ Khi nhận ship, bạn nên đến tận nhà hoặc cửa hàng của người bán, tuyệt đối không nhận hàng ở ngoài đường hoặc nơi công cộng.

♣ Kiểm tra kỹ số điện thoại người nhận, hàng hóa trước khi giao. Nên gọi điện thoại trước cho họ khi đến giao hàng. Cẩn thận hơn, có thể kiểm tra số điện thoại người bán, người nhận trên mạng để xem họ có bị tố giác vì hành vi lừa đảo trước đó không.

♣ Nếu phải ship cùng lúc nhiều đơn hàng, nên gọi điện trước từ 3–4 khách trở lên để khách có thời gian chuẩn bị cũng như shipper biết trước kế hoạch của khách để giao được hàng thuận tiện hơn.

♣ Nếu đơn hàng có giá trị quá lớn, hãy chỉ đặt cọc một phần tiền hàng và để lại cho người bán CMND, khi giao xong sẽ đến lấy CMND và trả nốt số tiền còn thiếu.

♣ Tạo mối quan hệ với các shipper khác để hỗ trợ nhau khi cần thiết.

♣ Khi bị lừa, hãy chia sẻ câu chuyện lên mạng, trình báo công an.

Thu Hà

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua