Sex tour ngàn đô: Người đẹp có chịu thiệt?

Khắp các mặt báo và mọi diễn đàn, đâu đâu cũng thấy người ta trưng lên bức ảnh các người đẹp ôm đầu, cúi mặt bẽ bàng tại cơ quan điều tra

Ảnh mang tính chất minh họa

Những ngày này, cư dân mạng thi nhau mổ xẻ nhân phẩm của những người từng được xem là “đại diện sắc đẹp”, là “ngọc nữ” đầy triển vọng của màn ảnh phim Việt… trong vụ sex tour ngàn đô. Thậm chí, dù tên họ đã được viết tắt nhưng chẳng mấy chốc cộng đồng mạng đã truy ra tên thật, trường học và cả những bức ảnh lung linh người đẹp đã có.

Cũng thời điểm này năm ngoái, scandal bán dâm của một số hoa hậu, người mẫu tại Việt Nam gây xôn xao, được ra tòa án xét xử và có người đẹp đã phải vào trại giam. Điều đó đủ để thấy, câu chuyện hoa hậu, á hậu bán dâm chưa lúc nào thôi nóng trong xã hội.

Sao không bêu tên đại gia?

Trong khi đó, tên tuổi của các đại gia – là người mua dâm thì được giấu nhẹm, chỉ phạt hành chính rồi trở về bình an vô sự. Có ý kiến cho rằng, cần phải bêu tên các đại gia mua dâm, bởi nếu không có người mua thì sao có người bán? Họ là ai mà chịu chơi dám bỏ ra tận 20.000 đô-la Mỹ để “mây mưa” với các người đẹp có tiếng? Vì sao không thấy báo chí nhắc đến dù họ là những đại gia có “số má”? Hơn nữa, cả hai đều tự nguyện là “đối tác” của nhau trong cuộc buôn phấn bán hương?

Nhiều gã mày râu nghe câu hỏi này đã vỗ đùi đôm đốp: “Đại gia “ăn bánh trả tiền”. Họ có tiền thì có quyền lựa chọn, thụ hưởng. Có gì đâu mà phải bêu tên ầm ĩ?”. Nghe mức giá ngất ngưởng của cuộc “vui vẻ”, đâu đó có người phải chua chát thốt lên: “Làm một tháng không bằng dạng háng một đêm”!

Thế nhưng sự thật sau phi vụ, chính “má mì” khai nhận chỉ trả cho người đẹp mỗi người 2.000 đô-la Mỹ cho hai ngày, số còn lại đều chảy vào túi má mì. Chung quy lại, khi con đường tiến thân bằng việc bán “vốn tự có” bị phát giác, chỉ có người đẹp là… chịu thiệt!

20153005_Tieudiem_TrinhHoaBinh

PGS−TS. Trịnh Hòa Bình

Cái giá của danh vị

Phân tích về điều này, PGS−TS. Trịnh Hòa Bình phải thừa nhận công luận đã lên tiếng rất nhiều xung quanh chuyện đối xử công bằng với kẻ mua dâm và người bán dâm, không phân biệt giữa á hậu hay gái mại dâm làm nghề vì miếng cơm manh áo, giữa người đàn ông đi mua dâm vì nhu cầu tình dục hay chỉ là người đại gia lắm tiền muốn chơi trội. “Đại gia sợ đổ vỡ gia đình, gây ổn ào xã hội, và quan trọng sai phạm đó chưa phải là tội phạm, chỉ liên quan đến vấn đề nhân phẩm, nhân cách. Pháp luật chỉ nhìn nhận tội phạm ở đây là những kẻ môi giới, kết nối trong đường dây mại dâm. Cho nên không bêu tên người mua dâm cũng như các chân dài là điều có lý lẽ của nó”, ông Bình phân tích.

Vậy nhưng mọi mũi dùi dư luận vẫn chĩa vào các người đẹp, cộng đồng xúm vào “đánh hội đồng” các gương mặt khả ái. Theo ông Bình, việc này không hẳn xuất phát từ sự ghen tỵ mà bởi rất nhiều lý do.

“Đồng tiền giới này kiếm được vượt quá cả “giá trị” thân xác họ có. Bởi cuộc mua dâm không đơn thuần là thú vui thể xác mà nó là cuộc mua bán danh vị. Đại gia bỏ tiền ra “mây mưa” với người đẹp có danh vị cao như một cách để “chơi trội”. Danh vị càng cao, người đẹp càng có tiếng thì giá cả càng bị đẩy lên chót vót. Bên cạnh đó, những người lao động lành mạnh, chân chính cũng sẽ cảm thấy sức lao động của mình bị bôi bác, cày cuốc vất vả thậm chí cả năm mà không bằng số tiền chi trả cho một đêm “vui vẻ” với người đẹp. Vì thế, nói bất công cho người đẹp khi đường dây mua bán dâm bị triệt phá là vô cùng. So sánh với các đại gia, những kẻ thạo đời đi mua dâm là bất công. Nhưng so sánh với việc niềm tin của công chúng bị hủy hoại, với sức lao động của những con người làm ăn chân chính thì sự “trừng phạt” dành cho người đẹp là xứng đáng!”, TS. Trịnh Hòa Bình bày tỏ.

TS. Bình nhận định thách thức tái hòa nhập cộng đồng dành cho các người đẹp là rất lớn. Ông nói: “Mại dâm có gốc rễ từ cổ xưa, hay nói như nhà triết học Ăng-ghen: “Mại dâm là bạn đồng hành của chế độ hôn nhân một vợ một chồng”. Dẫu có cấm thì hiện tượng này vẫn mặc nhiên tồn tại, không thể tẩy rửa được. Mại dâm không còn là câu chuyện miếng cơm manh áo mà đã len lỏi vào giới những người hoạt động nghệ thuật, không còn độc quyền của nữ giới mà chuyển hóa sang cả nam giới và những người thuộc giới tính thứ ba. Vấn đề là người đẹp có muốn trở về cuộc sống lương thiện hay không, khi chuyện ngựa quen đường cũ vẫn luôn luôn diễn ra. Còn những kẻ muốn khai thác lợi nhuận từ chân dài kia có chịu buông tha, trong khi cộng đồng không dễ gì đón nhận người đẹp trở lại khi niềm tin của họ đã bị hủy hoại. Áp lực đến từ nhiều chiều, chỉ có điều người đẹp có vượt qua thói quen hưởng thụ đã được các đại gia dung dưỡng hay không mà thôi!”.

Bài: Thu Hà − Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua