Selfie phản cảm: Căn bệnh thời đại của giới trẻ

Bức ảnh selfie phản cảm của cô gái đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” với hàng ngàn lời bình luận đả kích cùng hàng trăm lượt chia sẻ

Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng lan truyền loạt hình ảnh với chủ đề tạm gọi là “Hạnh phúc của một tang gia”. Loạt ảnh được đăng trên Facebook của một cô gái trẻ sống tại Cà Mau, đầu đeo khăn tang, nụ cười rạng rỡ, rần rần tạo dáng chụp ảnh và post lên mạng xã hội. Rất nhiều  người xem bất bình với hình thức selfie phản cảm này.

NHỮNG BỨC ẢNH PHẢN CẢM

Giữa phông nền tang gia với bàn thờ người vừa mất, bản thân cô gái trẻ cùng các thành viên khác đầu quấn khăn trắng nhưng miệng cười toe toét đua nhau chụp ảnh “tự sướng” (selfie). Người chu miệng. Người quơ bát làm đạo cụ chụp hình sinh động. Người đùa giỡn nâng cằm và người khác lại giơ tay tạo chữ V, một biểu hiện của sự chiến thắng vui vẻ. Nhìn sự rạng rỡ trên gương mặt đám con cháu này, không ai nghĩ đây là đám tang. Các bức ảnh của cô gái đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng với hàng ngàn lời bình luận, chỉ trích cùng hàng trăm lượt chia sẻ. Một bạn Facebooker phẫn nộ: “Nhà đang tang mà tươi cười chụp ảnh, họ còn cảm xúc con người không vậy?”.

Selfie phan cam hinh anh 2Một người khác thâm thúy: “Phải khâm phục Vũ Trọng Phụng, ông đã nhìn thấy sự nhố nhăng này trong phần Hạnh phúc của một tang gia, tác phẩm Số đỏ” cách đây gần 80 năm”. Có người biện minh rằng nhiều gia đình tin là không khóc lóc, người thân mới nhẹ nhàng đi về thế giới bên kia. Hơn nữa, trong đám tang người miền Nam thường có âm nhạc vui vẻ”.

Tiếp Thị Gia Đình đem vấn đề này hỏi ông Công Hạnh (76 tuổi, Long An), ông cho biết: “Tôi là người miền Nam rặt và có mấy chục năm trong dàn nhạc lễ. Theo tôi biết, ở đám tang miền Nam thường có âm nhạc để mọi người không quá đau thương và để đưa tiễn người đã khuất về miền cực lạc (theo quan niệm của đạo nho, đạo phật, đạo lão, sau khi chết, người tốt sẽ lên thiên đàng, người xấu sẽ xuống địa ngục). Song âm nhạc ở đây là nhạc lễ. Nhạc lễ trong đám tang để tăng tính trang trọng cho tang lễ, cho nghi thức cúng tế.

Ngoài ra, theo yêu cầu của chủ nhà hoặc khách tới thăm đám, ban nhạc lễ cũng có thể hòa tấu những bài nhạc trong khuôn khổ nhạc cổ, nhạc lễ. Việc làm này còn có ý nghĩa làm không khí bớt cô quạnh, đau thương, tăng tính trang nghiêm, long trọng cho lễ tang và tưởng nhớ người quá cố. Có thể khẳng định, trong đám tang miền Nam, nhạc lễ không phải để mua vui. Và bản chất của lễ tang Nam bộ hoàn toàn không có nghi thức đàn ca múa hát giật gân, sôi động. Hiện tượng ca, múa thoát y là yếu tố ngoại lai chứ không phải là văn hóa Nam bộ”.

Cũng tương đồng với quan điểm của ông Công Hạnh, trong số những người chê trách chủ nhân của những tấm ảnh “Hạnh phúc của một tang gia”, có rất nhiều bạn miền Nam lên tiếng. Một Facebooker vặn ngược: “Cứ cho là ông bà mình dặn “đừng có khóc lóc trong đám tang để người đã mất ra đi thanh thản” nhưng đâu có dạy là “tụi bây cứ đeo khăn tang, tạo dáng post Facebook rần rần”.

Bên cạnh những tấm ảnh selfie phản cảm với mọi nền văn hóa như quá vui vẻ trong đám tang, khoe thân trong nhà tắm hay cảnh giường chiếu thì cũng có những tấm ảnh thích hợp với văn hóa này nhưng lại phản cảm với nền văn hóa khác. Khi post lên Facebook, mức độ giao lưu văn hóa cao, vượt quá tầm kiểm soát của chủ nhân, nên bị những người thuộc thế giới văn hóa khác ném đá. Liệu chủ nhân của những tấm ảnh ấy có lường trước việc này?

ĐẰNG SAU NHỮNG TẤM ẢNH

Tiếp Thị Gia Đình trò chuyện với một bạn gái từng bị ném đá dữ dội khi đăng ảnh selfie đội tang, khóc người thân vừa qua đời. Cô bạn 24 tuổi này nói: “Em chỉ muốn đăng lên để thông báo nhà có tang, bạn bè biết em đang ở đâu, làm gì và muốn nhận được lời chia sẻ. Em không ngờ mọi người chửi em diễn xuất đạt thế, sao không làm diễn viên. Chính em cũng sốc khi hình ảnh của mình bị chia sẻ quá nhiều. Em không ngủ được và phải đóng Facebook”.

Khi nhìn tấm ảnh “check-in” tại đám tang, em Lý Kim Ngân, 18 tuổi, một Facebooker chia sẻ: “Chắc bạn này muốn gây sốc, câu “like”. Đôi khi đăng ảnh, tụi em chỉ nghĩ rằng sẽ có bao nhiêu like, bình luận. Cứ 5–10 phút phải check xem một lần. Facebook như cuộc sống thứ hai của tụi em. Tụi em thích thu hút mọi người chú ý, có gì “hot” là phải post lên Facebook liền, nhiều khi chẳng kịp nghĩ sâu xa”.

Khi giới trẻ như Kim Ngân nghĩ thế thì người có kinh nghiệm sống lại đặt câu hỏi lớn hơn liệu đây có phải là điển hình của sự tha hóa đạo đức, lễ nghĩa, ưa bề nổi, vô cảm, sống ảo đến mức điên đảo.

BỆNH QUÁ YÊU MÌNH

selfie phan cam hinh anh 3Ở Mỹ, nơi selfie phản cảm xảy ra hàng ngày, giáo sư Aram Sinnreich, Đại học Rutgers, nhận thấy “đã có sự va chạm giữa các vấn đề cấm kỵ trong văn hóa truyền thống với xã hội truyền thông”. Những gì xưa được coi là cấm kỵ thì bây giờ giới trẻ lại chia sẻ dễ dàng. Không có giới hạn chủ đề cho Facebook và Twitter. Tất cả những tấm ảnh từ chuyện vệ sinh, ảnh khỏa thân và cái chết cũng trở thành trò đùa để PR bản thân, mua sự nổi tiếng.

Nói về việc giới trẻ đăng những tấm ảnh selfie lên Facebook, khao khát sự nổi tiếng, giáo sư Larry Rosen, Đại học California, Mỹ, lý giải.”Hầu hết mọi người đều có xu hướng tự mãn, yêu chính mình và họ đã tự thể hiện một phần tính cách đó trên các phương tiện truyền thông xã hội” Ái kỷ là bản chất của con người. Tuy nhiên, ngày nay cùng với chủ nghĩa đề cao cái tôi cá nhân, nhiều người yêu mình một cách thái quá đến bệnh. Tiếng Anh gọi tình trạng này là bệnh narcissistic personality disorder (rối loạn nhân cách ái kỷ). Đây là trạng thái không bình thường của nhân cách, quá ảo tưởng về chính mình, khát vọng được người khác ngưỡng mộ, tham vọng phù phiếm, thiếu đồng cảm.

Và điều quan trọng, họ như bị “gây mê”, không thấy hành vi của mình đang gây phiền phức cho bản thân và cả người xung quanh. Một nghiên cứu so sánh mục tiêu sống của giới trẻ độ tuổi trung học và đại học ngày nay với thế hệ Gen X (1960 – 1980) ở cùng độ tuổi cho thấy, mục tiêu sống của một bộ phận giới trẻ ngày nay đang hướng đến những giá trị bên ngoài, chứ không phải giá trị nội tại. Các bạn rất chuộng hình thức, ưa được thế giới tung hô, bất kể là nổi tiếng hay tai tiếng.

Giải pháp

• Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Duy, chuyên viên tâm lý tại Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt nhận định: Những hình ảnh “vô cảm” đang xuất hiện nhiều trong giới trẻ. Song, đây chỉ là một bộ phận chứ không phải tất cả. Đời sống kinh tế thị trường nhiều áp lực, thời gian dành cho gia đình ít đi, xã hội đề cao cái tôi khiến giới trẻ ít có thời gian và tâm trí quan tâm đến nhu cầu, cảm xúc của người khác.

• Để giúp các bạn trẻ sống thật và có cảm xúc, tôi nghĩ nên bắt đầu từ gia đình. Thay vì ngồi cùng nhau, mạnh ai nấy lướt Facebook, sống với thế giới ảo thì các gia đình hãy chia sẻ nhiều hơn và khuyến khích con sinh hoạt đội nhóm để tăng tính cộng đồng.

• Hãy cẩn thận khi đăng ảnh trên mạng, có những khác biệt văn hóa bạn không lường trước được. Ảnh selfie chỉ đẹp khi ảnh phù hợp với bối cảnh, thuần phong mỹ tục của xã hội.

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua