Theo đó, sau khi đánh giá thiệt hại về kinh tế rất lớn, Bộ Giao thông Vận tải đã ưu tiên chọn phương án khắc phục nhanh nhất là xây mới hai trụ và ba nhịp. Dự kiến sẽ thông tuyến đường sắt cầu Ghềnh từ ngày 15/7.
Đồng thời, Cục đường thủy nội địa đề nghị tỉnh Đồng Nai giải tỏa hành lang phía sông Cái (nhánh sông Đồng Nai) để thông tuyến chạy tàu, tiến hành phương án trục vớt đoạn cầu bị sập. Hiện tại đã có hai công ty trình bày phương án trục vớt, cắt nhỏ từng khối và cắt toàn bộ, dùng cẩu đưa vào bờ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết vụ tai nạn đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, đặc biệt là ngành đường sắt và đường thủy. Bộ đang khẩn trương dùng máy quét dưới lòng sông để lên đồ họa 3D, tìm phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Nói về phương án khắc phục sự cố, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề xuất ba phương án: Một là cải tạo, sửa chữa 110m đoạn cầu cũ, cho lưu thông tạm, trước khi chính thức thông tuyến đường sắt cầu Ghềnh. Tuy nhiên, phương án này còn phụ thuộc vào kết quả kiểm định trụ T2 và T3 phải mất đến 20 ngày. Hai là xây mới hai trụ và ba nhịp cầu. Ba là khôi phục nguyên hiện trạng, có cải tạo.
Sau khi hội ý cùng các ban ngành trung ương và tỉnh Đồng Nai, Bộ quyết định phương án 2 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để có thể thông tuyến đường sắt cầu Ghềnh vào ngày 15/7.
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết sẽ giảm hai đôi tàu Thống Nhất chạy tuyến Hà Nội – Sài Gòn và ngược lại. Đồng thời sẽ dùng tài chở khách từ ga Sài Gòn lên ga Sóng Thần (Bình Dương) rồi trung chuyển hành khách bằng ô-tô đến ga Biên Hòa. Tàu chở hàng sẽ lên xuống ở ga Hố Nai (Đồng Nai).
Tuy nhiên, được biết ga Biên Hòa chỉ có sức chứa trung bình khoảng 1.000 hành khách mỗi ngày, nhưng dự kiến sau khi cầu sập sẽ phải đón tiếp đến 3.000 hành khách. Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang khảo sát và tìm phương án mở rộng tạm thời ga Biên Hòa và các ga phụ cận để phục vụ hành khách.
Bài: Uyên Đoàn
Tiếp Thị Gia Đình
Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây
Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.