Sau thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, năm 2011 do động đất và sóng thần, Chính phủ đã ra quyết định kiểm tra, bổ sung các giải pháp đảm bảo an toàn.
Phát biểu tại hội thảo Phát triển điện hạt nhân, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học Công nghệ, cho biết: “Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại Việt Nam sẽ được khởi công vào năm 2020. Trong thời gian này, các đơn vị cần đánh giá tác động môi trường, địa điểm xây dựng nhà máy. Đồng thời tham vấn các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhằm hoàn thiện dự án, đảm bảo an toàn”.
Theo đó, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 phải lùi địa điểm đã chọn vào sâu trong đất liền hơn, công trình cũng được nâng lên. Điều này kéo theo việc di dời, đền bù giải phóng mặt bằng cần có nhiều thời gian hơn.
Sau khi hoàn tất hồ sơ dự án và được thủ tướng phê duyệt, cơ quan chức năng sẽ ký hợp đồng với đối tác Nga. Được biết, nguồn vốn xây dựng nhà máy khoảng 8–10 tỷ đô-la Mỹ, chủ yếu vay của Nga theo hiệp định đã ký giữa hai nước.
Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ có 4 tổ máy với công suất khoảng 4.000MW, đóng góp 3–4% tổng nhu cầu điện năng của cả nước.
Tại Ninh Thuận hiện có hai dự án điện hạt nhân song song: Nhà máy số 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam do Nga hỗ trợ công nghệ. Nhà máy số 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải do Nhật giúp đỡ. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ phát điện năm 2020.
Tiếp Thị Gia Đình