Sara Jane Ho trả lời phỏng vấn của kênh Channel NewsAsia
Người Trung Quốc mua nhiều xe Bentley hơn người Anh, trang hoàng nhà cửa với nhiều pha lê Swarovski hơn người Thụy Sỹ, chi mạnh tay cho túi Louis Vuitton hơn người Pháp. Tuy nhiên, có một loại hàng hóa cao cấp vẫn chưa tìm được đến Trung Quốc: đó là nghi thức cư xử lịch thiệp.
Sara Jane Ho, thạc sỹ tốt nghiệp đại học Harvard và xuất thân là người Hồng Kông, muốn thay đổi điều này bằng cách sáng lập học viện nghi lễ Institute Sarita.
Cô được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 12 phụ nữ châu Á tiêu biểu trong tương lai, còn Institute Sarita từng lọt vào Top 50 Công ty Sáng tạo nhất Thế giới do tạp chí Fast Company xếp hạng.
DỊCH VỤ ĐỘC, GIÁ CẮT CỔ
Người dân Trung Hoa nổi tiếng với thói quen nhổ nước bọt tùy tiện, nói lớn, ăn uống ồn ào, xô đẩy chen lấn, đi đứng bừa bãi… “Khi tôi nói sẽ mở một trường dạy nghi thức tại Bắc Kinh, phản hồi đầu tiên tôi nhận được là: Cảm ơn bạn. Người Trung Quốc cần điều đó”, Sara nhớ lại.
Institute Sarita được khánh thành tại Bắc Kinh vào năm 2012 với các bài giảng lấy cảm hứng từ cách ứng xử của giới quý tộc Anh – tiêu biểu là phong thái lịch thiệp và đúng mực của công nương Kate Middleton. “Kate cũng giống như người Trung Quốc, có xuất thân bình dân nhưng đã tiến thân vào hoàng tộc. Dù bị mọi người săm soi sát sao nhưng cô ấy vô cùng kiên nhẫn và chịu khó học hỏi”, Sara phân tích.
Một khóa học hai tuần ở Institute Sarita có thể ngốn đến 16.000 đô-la Mỹ (khoảng 336 triệu đồng) nhưng điều đó không thể ngăn hàng loạt phụ nữ trên khắp đất nước tham gia. Lúc đầu Sara nghĩ khách hàng của mình sẽ là những bà nội trợ giàu có hay các cô gái trẻ. Thật ngạc nhiên, nhiều phụ nữ thành đạt hẳn hoi và thường đi nước ngoài vẫn thấy mình thiếu thốn nghi lễ và tìm đến cô.
Họ học cách ăn chuối bằng dao và nĩa, ăn hàu với nĩa, uống súp mà không phát ra âm thanh, đóng cửa mà không quay lưng lại với cả phòng, phát âm đúng những nhãn hàng xa xỉ, cách tổ chức tiệc trà chiều kiểu Anh, cách chơi golf, cưỡi ngựa, cách giao tiếp với đối tác nước ngoài…
Đối với nhiều người, cái giá đắt đỏ mà họ phải trả có thể xem là chuyện nhỏ. “Học viên của tôi sẵn sàng chi gấp ba lần số tiền đó để mua các trang sức hay lông thú dùng làm đạo cụ trong lớp học”, Sara cho biết.
VỮNG VÀNG TRƯỚC NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH
Không phải ai cũng ủng hộ việc kinh doanh của Sara. Một số người cảm thấy bị sỉ nhục khi người dân đất nước mình phải đi học phương Tây để cư xử sao cho phải phép.
Chuyên viên thương hiệu Ni Rong, 26 tuổi, từng học ở Mỹ, cho rằng: “Những người lớn tuổi có thể cư xử không hợp thời nhưng thế hệ sinh vào những năm 1980 và sau đó đều được giáo dục tốt và có lối sống văn minh. Tôi không cổ súy cho những loại trường như thế này. Phép lịch sự thông thường là đủ rồi”.
Chuyên viên PR Lu Xiamei, 24 tuổi, cũng đồng ý. “Các khóa học nghi lễ này chỉ giới thiệu sơ sài về những điều phải làm và không được làm, mà không xoáy sâu vào bản chất việc giao tiếp giữa các nền văn hóa. Chúng phô trương, tốn kém và không có một kết quả gì cụ thể. Người trẻ cần học tiếng Anh và cách làm giàu. Họ không cần biết cách chỉ đường cho một công tước châu Âu mà cả đời họ sẽ chẳng bao giờ gặp”.
Đáp lại, Sara cho rằng cô không chỉ rao giảng các nghi thức lễ nghĩa của phương Tây mà muốn truyền tải phong cách ứng xử của các nền văn minh trên thế giới. Cô cũng không phân biệt lối cư xử phương Đông hay phương Tây vì tất cả đều có một điểm chung: sự khiêm nhường và tôn trọng, chú ý tới cảm xúc của người khác và có lòng vị tha. Sara cho rằng: “Tôi không phân biệt giai cấp hay văn hóa mà mang mọi người lại gần nhau hơn. Ai cũng nên tiến bộ hơn họ của ngày hôm qua”.
ĐAM MÊ SƯU TẬP VÀ CƯỠI NGỰA
Sara Jane Ho thích sưu tập các tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa. “Khi tôi mua một chiếc túi xách Louis Vuitton, hàng nghìn phụ nữ trên khắp thế giới cũng có chiếc túi giống tôi. Nhưng nếu tôi mua một bức tượng hay bức tranh để treo trong nhà, nó khẳng định cá tính của tôi rõ rệt hơn và độc nhất”, cô gái thông thạo 5 ngoại ngữ cho biết.
Cô từng tham gia giải đua ngựa Longines Equestrian Beijing Masters năm 2014. Dành thời gian với chứ ngựa yêu quý giúp cô giác ngộ nhiều thứ: “Cưỡi ngựa là một truyền thống cổ xưa và nó có một hấp lực. Đó là môn thể thao duy nhất mà con người và động vật thi đấu cùng nhau. Được cưỡi trên một sinh vật mạnh mẽ như vậy là trải nghiệm rất tuyệt diệu”.
Theo Tiếp Thị Gia Đình