Sao chổi hai đuôi là hiện tượng thiên văn thú vị. Vài giờ sau khi ăn mừng năm mới, vào sáng sớm ngày 1–1– 2016, bạn sẽ thấy các sao chổi đi qua gần một ngôi sao sáng trong chòm sao Arcturus. Catalina có độ sáng hiện tại với cường độ 6,2−6,4. Bạn có thể nhìn bằng mắt thường hoặc dùng ống nhòm hoặc một chiếc kính thiên văn nhỏ để ngắm sao chổi hai đuôi này rõ ràng hơn.
Sao chổi hai đuôi cũng sẽ tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách gần nhất (110 triệu km) vào ngày 17−1−2016, gấp 280 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Catalina là một sao chổi ở rìa ngoài Hệ Mặt Trời và đã tới cận điểm trên quỹ đạo quanh Mặt Trời của mình vào hôm 15–11. Ở thời điểm đó, chúng ta không thể quan sát do nó khá mờ và lại bị che lấp bởi ánh sáng Mặt Trời khi tới quá gần. Hiện nay nó đang trên đường di chuyển xa khỏi Mặt Trời và lúc này ở vị trí hoàn toàn có thể quan sát từ Trái Đất.
Không giống với mưa sao băng diễn ra định kỳ hoặc nguyệt thực nửa tối, nguyệt thực một phần xảy ra tương đối thường xuyên, việc quan sát một sao chổi bằng mắt thường hay qua các kính thiên văn nghiệp dư luôn là một điều thú vị với người yêu thích các hiện tượng của bầu trời, nhất là khi đó là một sao chổi có đuôi.
Hầu hết các sao chổi đều tạo ra một cái đuôi khi chúng di chuyển tới gần Mặt Trời, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội quan sát đuôi của chúng bằng mắt thường hay qua những dụng cụ đơn giản. Với nhiều sao chổi, dù có sự trợ giúp của kính thiên văn nghiệp dư, bạn cũng chỉ nhìn thấy hiện lên là một chấm sáng hay một vệt sáng rất ngắn và mờ. Với sao chổi Catalina, bạn thậm chí sẽ có thể thấy hai đuôi.
Tiếp Thị Gia Đình