Ý tưởng mới này thuộc về Devesh Mistry, nghiên cứu sinh sau đại học thuộc khoa vật lý trường Đại học Leeds. Mistry tin rằng tinh thể lỏng có thể tạo nên một loại kính áp tròng giúp tập trung ánh sáng theo chuyển động của mắt. Công nghệ mới này được hy vọng sẽ trở thành một sự lựa chọn mới giúp cải thiện thị lực người dân.
Mistry cho biết: “Khi chúng ta già, thủy tinh thể trong mắt hoạt động kém, cộng với việc cơ mắt trở nên yếu đi và không còn đủ khả năng tập trung để nhìn các đồ vật nữa. Với kính áp tròng tinh thể lỏng, chúng có thể tự điều chỉnh tiêu cự tùy theo chuyển động của cơ mắt”.
Loại kính áp tròng này có thể được cấy vào mắt bằng một tiểu phẫu tương tự như tiểu phẫu chữa đục thủy tinh thể.
Thông thường, vật chất gồm ba thể là rắn, lỏng và khí. Tuy nhiên, tinh thể lỏng không nằm trong ba dạng trên mà là một thể giữa thể rắn và thể lỏng, có thể chuyển hóa qua lại giữa hai thể này. Vì vậy, kính áp tròng tinh thể lỏng có tính linh hoạt hơn so với các loại kính áp tròng hiện tại, giúp việc tập trung nhìn vật thể hiệu qủa hơn.
Mục tiêu của Mistry là thực hiện thành công mẫu thử cho bài luận tiến sỹ của anh vào năm 2018. Dự án này được phối hợp thực hiện với viện nghiên cứu Eurolens Đại học Manchester và nhà máy sản xuất kính áp tròng UltraVision CLPL. Họ hy vọng phát minh mới sẽ được ứng dụng trong vòng một vài năm tới.
Tiếp Thị Gia Đình