Sự quan tâm, chăm sóc đi cùng với thiếu hiểu biết sẽ rất tai hại. Vụ ngộ độc rượu ngâm lá ngón cướp đi sinh mạng của một cặp vợ chồng cùng người em trong một gia đình ở xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn; Nghệ An mới đây nhắc chúng ta phải cẩn thận hơn với loại rượu này.
Hàng loạt vụ ngộ độc rượu ngâm
Chỉ cần gõ từ “rượu ngâm”; Google lập tức đoán ngay được thông tin bạn cần tìm. Google liền liệt kê cho bạn hàng loạt loại rượu ngâm; vốn đã được cả cánh đàn ông và phụ nữ quan tâm, tìm kiếm. Bên cạnh rượu ngâm động vật; rất nhiều loại rượu ngâm từ thực vật.
Rượu ngâm rễ cau. Rượu ngâm rễ cây mật gấu. Rượu ngâm rễ cây anh túc. Rượu ngâm cây cần sa. Rượu ngâm cây tầm gửi. Rượu ngâm cây huyết rồng. Rượu ngâm cây xạ đen. Rượu ngâm củ ấu tàu. Rượu ngâm lá cây rừng… Nói chung, xem mải mê cũng chưa hết “phê” vì các loại rượu ngâm từ thực vật. Chúng được gọi bằng hai từ quen thuộc: rượu thuốc hay rượu dân tộc.
Rất nhiều người tin vào sự thần kỳ của rượu thuốc ấy. Chúng được nâng niu như một món quà tốt toàn thân; bồi bổ cơ thể hoặc chữa bệnh. Và rồi, để sở hữu phương thuốc thần kỳ này cho gia đình mình; rất nhiều chị em xắn tay đi tìm kiếm nguyên liệu về và “tự xử”.
Kết quả thì sao?
Khoảng cuối tháng 3/2017; Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn; tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm với củ ấu tàu. Cả 3 bệnh nhân đều trong tình trạng nguy hiểm với mạch nhanh, huyết áp tụt, da tái nhợt, tê lưỡi, nôn, đồng tử giãn…
Ở Thái Bình, hồi cuối tháng 10/2017; trong bữa tiệc mừng nhà mới, gia chủ quý mến khách mang rượu ngâm ra mời. Kết quả, 7 người đi cấp cứu; 2 người hôn mê. Xét nghiệm của Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế cho hay; các bệnh nhân bị ngộ độc alcaloid có trong cà độc dược dùng ngâm rượu uống.
Mới đây và thương tâm nhất là vụ ngộ do uống rượu ngâm lá cây rừng ở Nghệ An. Kết quả kiểm tra của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia chỉ rõ, chất “giết” cả 3 người là Koumin, hợp chất có trong cây lá ngón. Có thể khi vợ chồng anh Đi ngâm rượu rễ, thân cây rừng có chứa cây lá ngón nhưng không biết.
Tình thương nên đi cùng hiểu biết
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: Ngộ độc rượu có thể gây chết người. Theo Cục An toàn Thực phẩm; nguyên nhân gây ngộ độc rượu có thể do uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do uống phải rượu giả; rượu có chứa methanol, ethylene glycol. Một nguyên nhân khá phổ biến nữa là do uống rượu ngâm với động vật hoặc thảo mộc (lá, rễ, hạt cây…) có chứa độc tố. Rõ ràng, những trường hợp “nhức nhối” dư luận kể trên đều do uống rượu ngâm với các loại thực vật có độc tính cao.
Ở nhiều vùng trên cả nước; bạn sẽ thấy rất nhiều phụ nữ chiều chồng bằng bình rượu ngâm. Dù không có điều kiện ngâm rượu với các “bảo bối” đắt tiền nhưng sẽ thấy có rượu ngâm trứng hay vô số các loại thân cây, lá cây, củ, quả khác nhau. Chỉ cần một người đồn “rượu này tốt”; “Uống rượu ngâm này khỏe lắm”, cả làng nước chẳng cần kiểm chứng sẽ đua nhau làm theo.
Thực tế thì, theo PGS. TS Trần Đáng –Nguyên Cục Trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm; có tới 2/3 trong số 1.720 loại rượu được coi là bổ ở Việt Nam chưa được khoa học chứng minh tác dụng; chỉ là dân gian truyền miệng.
Rượu ngâm: Chưa có cơ sở khoa học bảo đảm chất lượng
Nếu không có kiến thức chuyên sâu về Đông y; hiểu tường tận, chính xác từng loài; bạn rất dễ lấy nhầm cây lành sang cây độc. Vụ ngộ độc ở Nghệ An do lấy nhầm cây lá ngón ngâm rượu thuộc trường hợp này. Không chế biến đúng; cây thuốc chưa chắc đem lại tác dụng. Đôi khi, sự pha trộn quá nhiều dược liệu trong hũ rượu ngâm còn tạo ra những tương tác bất lợi giữa các thành phần; làm sản sinh độc tố dẫn đến ngộ độc. Ngay cả các loại dược liệu đã được kiểm chứng về tác dụng; không phải rượu tốt với ông hàng xóm cũng sẽ tốt cho chồng của bạn.
Một thực tế nữa là ở nhiều gia đình có tới 4–5 hũ rượu ngâm khác nhau. Nào là rượu ngâm dùng xoa bóp; rượu ngâm chữa bệnh hay đơn thuần là rượu ngâm bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực. Các hũ này thường không được dán nhãn nên dẫn đến trường hợp uống nhầm. Dù thực vật hay động vật khi đem ngâm rượu đều có thể chữa bệnh khi dùng cách này nhưng lại thành thuốc độc khi dùng theo cách khác. Chẳng hạn rượu ngâm dùng để xoa bóp ngoài nhưng nếu lỡ uống nhầm có thể gây ra rủi ro giống vụ ngộ độc rượu của 7 người ở Quảng Ninh.
Bởi thế, tình thương cũng nên đi cùng với hiểu biết. Đó là cách bạn giúp chồng mình an toàn; khỏe thực sự.
Nguyên tắc chống ngộ độc rượu
Bạn cần nhớ những quy tắc sau:
1. Không ngâm, uống và không mời người khác uống rượu ngâm với lá; rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính.
2. Khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm dược liệu; nên tìm mua ở các cơ sở Đông y có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền. Dược liệu phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm chứng về tính an toàn.
3. Không uống rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân của người không có hiểu biết về Đông y.
4. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Không chỉ cần biết rõ về dược liệu; bạn cần phải biết rõ về loại rượu dùng để ngâm. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
6. Nam giới uống không quá 3 đơn vị rượu/ngày. Nữ giới uống không quá 2 đơn vị rượu 1 ngày. Một đơn vị rượu tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ.
7. Người có bệnh lý mãn tính về tim, gan, thận không nên dùng rượu ngâm nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.
8. Nếu trong nhà có từ 2 hũ rượu ngâm trở lên; bạn cần ghi nhãn mác rõ ràng để tránh sự cố uống nhầm.
9. Nếu đau bụng, buồn nôn, đau đầu, da xanh tái… sau khi uống rượu bổ, cần đến bệnh viện ngay.
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình