Rét đậm và mưa tuyết băng giá tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đang thu hút rất nhiều khách du lịch. Song, trời rét đậm, rét hại khiến cho mọi hoạt động của người dân bị hạn chế, các phương tiện lưu thông khó khăn. Nhiều diện tích thảo quả của bà con bị ảnh hưởng, toàn bộ cây dược liệu mới trồng của xã cũng bị ngập trong tuyết và sẽ khó có khả năng phục hồi.
Tại Cao Bằng, ngày 24–1, tại xã Thành Công (H. Nguyên Bình) nơi có độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, băng giá bắt đầu xuất hiện và ngày càng dày đặc. Mưa tuyết cũng đã xuất hiện ở nhiều vùng núi cao trên địa bàn. Ngay cả khu vực thành phố Cao Bằng cũng có mưa tuyết.
Tại khu du lịch Mẫu Sơn (H. Lộc Bình, Lạng Sơn), từ đêm 23–1, nhiệt độ giảm xuống từ –2 độ C đến –5 độ C. Đến chiều 24–1, tuyết rơi dày đặc, nhiều nơi tuyết rơi dày đến 10cm. Trên tuyến quốc lộ 4B, tuyến đường duy nhất đến khu du lịch này băng tuyết bám dày, hơn 20 du khách bị kẹt.
Tại Hà Giang, khu Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn có mưa phùn, tuyết rơi dày trên diện rộng, phủ trắng các sườn đá, cây cối và hoa màu, một số nơi tuyết rơi dày từ 3–10 cm, người dân không thể đi làm, gia súc được nuôi nhốt trong chuồng để chăm sóc. Chính quyền địa phương đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe.
Tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, nhiệt độ giảm sâu từ –10 độ C đến –3 độ C, đoạn đường quốc lộ 32 đoạn từ Cao Phạ đến cầu Ba Nhà xã La Pán Tẩn tuyết rơi dày hơn 10cm, đường trơn trượt gây nên tình trạng mưa tuyết và đóng băng.
Ở Lào Cai, tuyết đã rơi tại nhiều khu vực, tuyết rơi dày từ 3–5cm,
Tại Sa Pa (Lào Cai), 105 ha rau màu của dân đã bị vùi lấp dưới tuyết trắng, 50 con trâu bò bị chết, gần 70ha cây dược liệu atiso cũng đã bị hư hỏng, ước tính thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng.
Tại Vườn Quốc gia Ba Vì tuyết bắt đầu xuất hiện, từ rạng sáng 24–1, khi nhiệt độ xuống –2 độ C và rơi nhiều nhất khoảng 9 giờ sáng. Tuyết đã phủ trắng 3 đỉnh núi Ba Vì, tuyết phủ trắng trên các ngọn cây, vách đá và ngập cả lối đi. Tại đỉnh Mẫu đền Thượng tuyết dày đặc hơn. Lớp tuyết phủ dày khoảng 2 – 3cm, có nơi lên đến 5cm. Tuyết rơi tại Ba Vì đợt gần đây nhất cũng cách nay hơn 30 năm. Khu vực này chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, do vậy hiện tượng này thu hút rất đông người dân đến tham quan, thưởng lãm.
Đặc biệt tại H. Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, lần đầu tiên đã có hiện tượng tuyết rơi. Tại 2 ngọn núi là Cao Xiêm (thuộc địa phận xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu), Cao Ly (thuộc địa phân xã Húc Động, huyện Bình Liêu) có độ cao trên 1000m so với mặt nước biển, tuyết rơi với mật độ dày. Ngoài ở đỉnh Sài Khao, xã Mường Lý, tại huyện Mường Lát còn có một số vùng như Pù Nhi, Trung Thắng cũng xuất hiện băng, tuyết. Các bản như Cao Sơn, xã Lung Cao (Bá Thước); huyện Quan Sơn cũng xuất hiện tuyết rơi.
♦ Biển động mạnh:
Trong bảng tin dự báo thời tiết nguy hại của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay 25–12, vịnh Bắc bộ và khu vực Bắc biển Đông đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 8, giật cấp 9 – 10; vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung bộ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8 – 9. Biển động mạnh.
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh nên các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì rét đậm, rét hại trên diện rộng từ nay đến hết ngày 27–1, vùng núi có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Ở vịnh Bắc bộ và ngoài khơi Trung Trung bộ ngày hôm nay còn có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 – 7; giật cấp 8 – 9, đêm gió yếu dần. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ, toàn bộ khu vực biển Đông (bao gồm cả 2 vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 6–8, giật cấp 9–10; biển động mạnh. Sóng biển cao 3–5m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Bài: Thủy Văn
Tiếp Thị Gia Đình