7 rào cản khởi nghiệp hay gặp phải và cách giải quyết

Khoảng trên 50% các công ty khởi nghiệp thất bại bởi vô vàn rào chắn, khó khăn. Làm thế nào để đảm bảo rằng doanh nghiệp của bạn không nằm trong con số 50% thống kê này?

Con đường khởi nghiệp chưa bao giờ trải đầy hoa hồng. Một khi đã xác định theo đuổi đam mê, bạn hãy luôn sẵn sàng tâm thế vượt chướng ngại vật bất kỳ lúc nào. Trong khuôn khổ của bài viết này, TTGĐ đề cập đến 7 rào cản khởi nghiệp phổ biến nhất mà hầu hết các start-up đều gặp phải. Bên cạnh việc nhận diện rào cản khởi nghiệp, các giải pháp khắc phục cũng sẽ được đề cập như một gợi ý. Bởi sau cùng, người quyết định vẫn là bạn!

Rào cản khởi nghiệp 1: Thiếu vắng một đội ngũ tài năng

Việc tìm kiếm nhân sự không hề đơn giản là đăng tin tuyển dụng rồi sẽ tìm được người đủ tài. Tạo dựng đội ngũ làm việc, bạn chẳng thể xem như một canh bạc, hên thì kiếm được người như ý; còn xui thì tìm người khác.

Giải pháp gợi ý là tiếp nhận thực tập sinh. Thông qua các chương trình thực tập có lương, bạn có thể thu hút nhân sự mới chớm; những người trẻ sắp hay vừa mới ra trường, đang đầy nhiệt huyết. Chiến lược này không những ít tốn hao chi phí vốn, mà còn “cho ra đời” đều đặn nguồn nhân sự được việc; cần thiết cho việc duy trì hoạt động và phát triển doanh nghiệp của bạn.

rao can khoi nghiep 3

Rào cản khởi nghiệp 2: Cảm giác ảo tưởng sức mạnh

Các công ty khởi nghiệp nói chung và cá nhân những nhà khởi nghiệp thường được ca ngợi và nhận nhiều lời khen có cánh. Đó chính là vấn đề. Sự lan truyền tin tức nhanh chóng cùng với sự dễ dãi của truyền thông; đem lại hậu quả là đưa ra những lời có cánh mà không cần sự chứng minh, tạo cảm giác ảo tưởng sức mạnh.

Đây là lý do vì sao bạn – những nhà khởi nghiệp phải luôn giữ sự khiêm tốn. Trừ những trường hợp ngoại lệ rất hiếm thì hầu hết các công ty thành công đều được điều hành bởi nhân vật luôn để tâm trí ở mặt đất; và tập trung giải quyết các vấn đề gặp phải.

Vì vậy, tập trung thực hiện các sản phẩm thật chất lượng mới là mục tiêu chính. Thương trường cũng như trận bóng dài hơi. Bạn phải biết giữ sức và có chiến lược để tung ra những đòn đánh quan trọng khi cần thiết.

Rào cản khởi nghiệp 3: Chần chừ và thiếu quyết đoán

Với những công ty trẻ, mỗi quyết định đều lớn và quan trọng; vì bạn đang làm việc với nguồn vốn và tài nguyên hạn chế. Sự phát triển của doanh nghiệp là không giới hạn. Bạn cần phải rèn luyện để có thể nhanh chóng đưa ra những quyết định; giữa những điều mà công ty thực sự cần để đạt được mục tiêu của mình và của công ty. Đừng ôm đồm hoặc chần chừ vì thời cơ chỉ có một và có thể chỉ tồn tại trong một tíc tắc.

rao can khoi nghiep 2

Rào cản khởi nghiệp 4: Không quan tâm đến thị trường thế giới

Rất nhiều nhà khởi nghiệp nghĩ rằng việc chiếm được cảm tình và thị trường trong nước đã là bài toán nan giải; nghĩ chi xa xôi đến thị trường quốc tế. Đây là một rào cản cần phá bỏ. Chính những suy nghĩ này khiến rất nhiều các công ty khởi nghiệp không tính đến việc chinh phục thị trường quốc tế; đánh mất cơ hội phát triển mở rộng quy mô toàn cầu.

Rào cản khởi nghiệp 5: Tự làm mọi việc

Điều hành một công ty, sẽ có ty tỷ điều cần phải giải quyết. Điều đó không đồng nghĩa với việc bạn tự biến mình thành… đa nhiệm. Nhiều start-up mang trong mình sứ mệnh ôm đồm, nhưng đó là điều không nên. Rõ ràng, nếu những lĩnh vực mà bạn không thấu hiểu; chắc chắn bạn sẽ
không làm tốt được.

Chẳng hạn những công việc như biên chế, tư vấn pháp lý, giao tiếp khách hàng, hạch toán, thanh toán… Bạn hoàn toàn có thể giao cho những bộ phận chuyên trách. Thậm chí, khi chưa đầy đủ nhân lực lẫn phòng ban; bạn hoàn toàn có thể thuê một công ty bên ngoài có nền tảng chuyên môn; và là chuyên gia trong lĩnh vực ấy để hoàn thành.

rào cản khởi nghiệp 1

Rào cản khởi nghiệp 6: Sợ thay đổi

Một trong những đặc quyền của khởi nghiệp là bạn dễ dàng thay đổi hướng đi nếu bạn nhìn thấy cơ hội tốt hơn. Bạn chỉ cần chung thủy với ý tưởng chứ không nhất thiết phải “kết hôn mãi mãi” với tầm nhìn ban đầu. Một khi bạn đã thạo việc, đã va chạm và trải nghiệm đủ; bạn hoàn toàn có thể xác định được đâu là cơ hội mà trước đây bạn không nhìn thấy. Vì thế, kinh doanh là không ngại ngùng e sợ.

Hãy nắm lấy ngay cơ hội mà bạn nhìn thấy. Rất nhiều ông lớn trên thế giới đã thành công nhờ biết chuyển đổi, điển hình như Apple. Sau những thất bại thảm hại vào thời điểm 1993 – 1997, Steve Jobs đã thực hiện một thay đổi lớn cho toàn công ty. Sự thành công của máy tính iMac, iPhone ngày nay đã minh chứng cho việc không sợ thay đổi hướng đi của một doanh nghiệp.

Rào cản khởi nghiệp 7: Bỏ qua các nguyên tắc cơ bản

Các công ty khởi nghiệp hoàn toàn khác so với các công ty lớn và tập đoàn; nhưng vẫn phải tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản. Hãy nhớ rằng, không có bất cứ điều gì có thể thay thế một kế hoạch kinh doanh vững chắc. Duy trì lợi nhuận, thu nhập và tỷ lệ thanh khoản là những ưu tiên hàng đầu.

Bài: Bảo Uyên
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua