VỢ CHỒNG TUY HAI MÀ MỘT
Đó là quan điểm của hầu hết các chuyên gia phương Tây theo sách lược “vợ chồng phải hoàn toàn trung thực với nhau”. Để ăn đời ở kiếp với nhau mà còn giấu nhau một số điều thì suốt đời sẽ phải nói dối, làm sao sống thoải mái được.
Câu chuyện của chị N.N là một ví dụ. Khi bắt đầu cuộc sống chung, chị nói với chồng thu nhập của mình chỉ có 5 triệu/ tháng, dù chị đang làm trưởng phòng tại một công ty du lịch nổi tiếng. Chị tâm sự, do gánh nặng gia đình, chị phải chu cấp cho mẹ và em gái nhưng lại sợ chồng chì chiết nên chọn giải pháp nói dối.
Dĩ nhiên là chồng chị N.N đoán biết vợ không trung thực và anh thấy khó chịu vì vợ không tin tưởng. Từ đó, anh giấu biệt những khoản thu nhập từ việc làm ăn. Mỗi tháng chỉ đưa cho vợ một khoản tiền vừa đủ chi tiêu trong gia đình. Tháng nào có việc gì phát sinh, chị phải “giải trình” mới được đưa thêm. Chị có cảm giác anh không tin tưởng vợ, lời qua tiếng lại thì há miệng mắc quai, gia đình cứ cắn đắn mãi. Đôi lúc, chị nghĩ giá như ngay từ đầu cứ nói thật có khi anh lại vui vẻ chia sẻ gánh nặng với mình.
Không chỉ công khai thu nhập mà còn trung thực về cảm xúc. Vui, buồn, yêu ghét cứ nói thẳng ra. Không giấu vợ hoặc chồng bất kỳ một đoạn đời nào trong quá khứ. Bởi vì quá khứ bao giờ cũng liên quan, tác động đến hiện tại. Nếu không biết rõ quá khứ của một người thì cũng khó có thể hiểu được hiện tại của người đó. Nếu trung thực được như vậy thì sống bên người bạn đời lúc nào cũng thấy đàng hoàng, không bao giờ phải sợ lỡ lời.
TÔN TRỌNG THẾ GIỚI RIÊNG
Nhưng cũng có người phản đối sách lược trung thực hoàn toàn. Nhà tâm lý gia đình Hoàng Quý, người Hồng Kông, trong cuốn Ứng xử trong quan hệ vợ chồng lại cho rằng, quyền được giữ kín đời tư cũng là một trong những nhu cầu cơ bản của con người.
Theo ông, khó có thể tưởng tượng một cuộc sống hoàn toàn công khai, không có điều gì được giữ kín. Bởi vì bất cứ ai cũng cần có thời gian để tự hoàn thiện mình, để suy ngẫm và xử lý những chuyện riêng của bản thân. Có khoảng cách thì hai người mới giữ được cá tính độc lập và khẳng định được mình.
Tức là mỗi người phải có một “khoảng riêng” mà ở đấy cất giữ những hứng thú và sở thích riêng, vui chơi hoạt động theo cách riêng, hội tụ với đám bạn bè riêng cùng sở thích. Ví dụ chồng có hội đi câu hay đánh tennis, vợ có hội khiêu vũ hay tập yoga. Nếu người kia không thích, không nên ép họ phải cùng đi với mình.
Như vậy là ngay trong hàng ngũ những chuyên gia nổi tiếng cũng tồn tại những quan điểm khác nhau. Có người còn cho rằng, muốn nuôi dưỡng được tình yêu, vợ chồng phải hấp dẫn nhau bởi những khía cạnh mà người kia chưa biết, để có niềm khao khát khám phá lẫn nhau. Tình yêu sẽ là bất tận nếu sự khám phá khôn cùng. Còn nếu biết nhau đến từng chân tơ kẽ tóc, “thuộc lòng” nhau đến nỗi người này vừa mấp máy môi, người kia đã biết sắp nói gì thì tránh sao được nhàm chán.
QUẢN LÝ KHÔNG BẰNG TỰ GIÁC
Có thể nói, chưa bao giờ cuộc sống vợ chồng lại có nhiều cái riêng như hiện nay. Làm sao có thể kiểm soát được “quỹ đen” của nhau khi có người đi làm hai ba nơi, có đến mấy nguồn thu nhập ngoài lương? Ngay cả lịch sinh hoạt, đi lại của họ cũng rất khó biết được. Những người làm ra nhiều tiền lại càng giao tiếp rộng. Nhiều khi khách đến nhà hỏi cần gặp chồng, vợ bảo không biết anh ấy đi đâu. Hỏi bao giờ anh ấy về lại càng không trả lời được. Hỏi: “Thế chị không quản à?”. Vợ cười hì hì: “Có giời mà quản được”.
Có thể nói sự công khai hay bí mật trong đời tư của mỗi người chỉ có thể dựa vào sự tự giác. Nếu vợ chồng yêu thương, gắn bó với nhau, trở thành bạn đời thân thiết và vui vẻ chia sẻ mọi ngóc ngách trong tâm hồn thì đó là mối quan hệ tuyệt vời. Còn nếu mỗi người có một “khoảng trời riêng” tha hồ vùng vẫy với “quỹ đen” và hàng tá điều không thể bật mí thì tất yếu sẽ khiến quan hệ vợ chồng ngày càng lỏng lẻo. Ngôi nhà chỉ là nơi tạm trú của những tâm hồn với ngọt lửa yếu ớt không đủ để thắp sáng hạnh phúc.
đời sống hôn nhân Theo Tiếp Thị Gia Đình