Vụ xả súng bi thảm tại Las Vegas vừa qua không chỉ chấn động nước Mỹ. Cả thế giới phẫn nộ và lạnh người sợ hãi. Hàng triệu khẩu súng dân dụng trong toàn nước Mỹ một lần nữa lại là nỗi ám ảnh của không chỉ người Mỹ. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Quyền sử dụng súng ở Mỹ, Tiếp Thị Gia Đình chia sẻ cùng bạn một số kiến thức cơ bản.
Trong suốt quá trình xây dựng đất nước, người dân Hoa Kỳ tạo ra một “đặc sản bản địa”: văn hóa súng đạn. Trong đó, quyền sở hữu và sử dụng súng của mỗi công dân được ghi rõ và bảo vệ ngay trong Hiến pháp quốc gia.
Lịch sử mê súng của dân Mỹ
Không phải ngẫu nhiên mà trong thời nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc nước Mỹ (1861–1865); đã xuất hiện câu nói nổi tiếng: “Abraham Lincoln giải phóng con người, nhưng Samuel Colt mới đem lại bình đẳng”. Samuel Colt là người phát minh ra súng lục ổ quay (súng Colt); mà chúng ta nhìn thấy bên hông chàng cao bồi Lucky Luke; hay trên bất cứ bộ phim về miền tây nào của Clint Eastwood.
Thật vậy, sự mê súng của người Mỹ có từ thời lập quốc. Những khẩu súng cá nhân đã giúp những người di cư gốc châu Âu đầu tiên; khai khẩn đất hoang. Những khẩu súng giúp họ chiến đấu chống lại thú dữ và các bộ lạc thổ dân bản địa. Súng giúp các ông bố bảo vệ vợ con trước nạn cướp cạn hoành hành khắp miền Tây hoang dã; và cuối cùng là giúp chính con dân thuộc địa nổi dậy chống lại ách thống trị của thực dân đế quốc Anh.
Tuy nhiên, sau khi nước Mỹ giành được độc lập và xây dựng được một lực lượng quân đội chính quy và tinh nhuệ, mối liên hệ giữa dân và quân bắt đầu phai nhạt dần.
Quy định trong Hiến pháp
Trong những ngày đầu tiên dựng nước; nỗi lo sợ về một chính quyền độc tài đã khiến các nhà lập pháp Hoa Kỳ cho phép mỗi công dân được mang súng. Quyền sử dụng súng ở Mỹ như một biện pháp đối trọng lại với lực lượng quân đội chính quy nhằm gìn giữ nền dân chủ. Nói một cách đơn giản; không nhà cầm quyền nào lại muốn đối đầu với một đạo quân gồm… 300 triệu tay súng!
Khi những nhà lập quốc của nước Mỹ bổ sung Tuyên ngôn Nhân quyền; (gồm 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp) vào năm 1791; họ muốn bảo vệ mỗi người dân khỏi sự đe dọa tiềm tàng từ các chính quyền cấp trung ương lẫn tiểu bang. Nếu Tu chính án Thứ nhất đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng; thì Tu chính án số 2 phản ánh rõ tầm quan trọng của vũ khí và Quyền sử dụng súng ở Mỹ.
Năm 1791, Hoa Kỳ thông qua Tu chính án Thứ hai; với nội dung nguyên văn: “Một lực lượng dân quân quy củ là cần thiết với một quốc gia tự do. Quyền được giữ và mang vũ khí của nhân dân sẽ không bị xâm phạm”.
Đây là điều gây tranh cãi không dứt trong suốt hơn 200 năm qua; với những lập luận chặt chẽ đến từ cả hai phe ủng hộ lẫn chống đối.
Thảm họa về súng khiến ta sợ hãi. Công cụ (súng) hay người sử dụng công cụ mới thật sự là “kẻ ác”? Và tất cả sẽ hỏi: Tại sao đến giờ Mỹ vẫn chưa cấm súng thành công?
Quyền sử dụng súng ở Mỹ – Muốn cấm cũng không được
Hơn 2 thế kỷ đã trôi qua kể từ khi nước Mỹ cho phép người dân được sở hữu súng; phe ủng hộ Tu chính án Thứ hai đến giờ vẫn tỏ ra nổi trội hơn cả. Có đến 9 đời tổng thống Mỹ là thành viên của Hiệp hội súng quốc gia (National Rifle Association of America – NRA); gồm Ulysses Grant, Theodore Roosevelt, William Howard Taft, Eisenhower, Kennedy, Nixon, Reagan, George H.W. Bush và Donald Trump.
Quyền sử dụng súng ở Mỹ khiến nước Mỹ từng có đến… bốn vị tổng thống bị ám sát bằng súng thành công là Abraham Lincoln, James A. Garfield, William McKinley và John F. Kennedy.
Có đường lối và chủ trương hoạt động đúng như tên gọi; NRA là một tổ chức dành cho những người đam mê văn hóa súng ống; và cổ súy cho luật sở hữu vũ khí. Các hoạt động chính của NRA bao gồm cung cấp những khóa huấn luyện kỹ năng và nghiệp vụ dùng súng; huấn luyện cảnh sát, săn bắn và các khóa dạy trẻ em về an toàn vũ khí. Nếu tất cả chỉ có thế; NRA đã không trở thành con “ngáo ộp” đầy quyền lực ở Washington D.C như hiện tại.
LƯỢC SỬ NRA
Được thành lập từ năm 1871; NRA hiện sở hữu hơn 5 triệu hội viên; và là một trong những đoàn thể có thế lực nhất nước Mỹ. Tuy mang tiếng là tổ chức phi lợi nhuận dành cho những hội viên chia sẻ niềm đam mê súng với nhau; song NRA lại chủ yếu được biết đến với quyền lực vận động hàng lang (lobby) chính trị; chi phối rất lớn đến khả năng trúng cử của mọi ứng viên vào lưỡng viện và ghế tổng thống.
Khác với các tổ chức phi lợi nhuận, NRA sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào từ khoản đóng góp từ hội viên; và đặc biệt là những tập đoàn và nhà tài phiệt trong lĩnh vực kinh doanh vũ khí.
Những bài học nhãn tiền
Năm 2000, phó tổng thống Mỹ lúc đó là Al Gore lên tiếng đòi thắt chặt hơn các quy định dành cho người mua súng. NRA đã chi đến 20 triệu USD cho chiến dịch chống lại ông. Kết quả: Al Gore thậm chí còn mất phiếu ngay tại bang nhà Tennessee. Và đây là “bài học” mà mọi thành viên đảng Dân chủ đều hiểu rõ, trong đó bao gồm cả cựu tổng thống Barack Obama.
Nỗ lực kiểm soát súng gần đây nhất của nội các ông Obama đã thất bại nặng nề; sau khi Thượng viện Mỹ bác bỏ đề xuất yêu cầu kiểm tra lý lịch của những người mua vũ khí; chỉ 4 tháng sau khi xảy ra vụ thảm sát bằng súng ở một trường tiểu học thuộc bang Connecticut. Khi đó, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy đã nhận xét; “nước Mỹ đang dần quay trở lại thời kỳ miền Tây hoang dã. Trong đó kẻ xấu và người tốt đều có súng, và chúng ta chỉ trông mong người tốt bắn hạ được kẻ xấu”. Ông Obama gọi quyết định của Thượng viện là “đáng hổ thẹn”.
Cấm súng được chăng?
Đến thời điểm hiện tại, số lượng vũ khí người Mỹ đang sở hữu dao động từ 270 đến 310 triệu khẩu súng. Dân số quốc gia này đang vào khoảng trên 300 triệu người. Giả sử luật cấm súng được thông qua; và không có khẩu súng mới nào được bán ra. Khi ấy chính phủ Mỹ sẽ làm thế nào để giải quyết toàn bộ số lượng súng ngang ngửa với dân số khắp đất nước?
Và liệu người dân sẽ trực tiếp nộp lại súng cho cơ quan chức năng? Vì sẽ là rất bất công,;nếu trong cùng một cộng đồng, người thì có súng, người lại… không. Đó là thực tế!
Giữa hai giải pháp dở như nhau, người ta chọn giải pháp ít… tệ hơn. “Cách duy nhất để ngăn một kẻ xấu có súng, là người tốt cũng được trang bị súng”; câu nói của phó giám đốc NRA, Wayne LaPierre; là lời tóm gọn cho vòng luẩn quẩn mà giới lập pháp Mỹ gặp phải quanh những khẩu súng. Quyền sử dụng súng ở Mỹ hiện vẫn chưa có giải pháp… an toàn.
Có thể bạn chưa biết
– Phụ nữ Mỹ dùng súng để tự vệ 200.000 lần mỗi năm.
– Người Mỹ sở hữu 1/3 số lượng súng trên toàn hành tinh.
– Vào năm 1981, một người tên John Hinckley đã tìm cách ám sát tổng thống Mỹ Ronald Reagan. John Hinckley cho biết mình làm thế để gây ấn tượng với nữ diễn viên Jodie Foster, sau khi đã xem bộ phim Taxi Driver đến 15 lần, cũng như cảm thấy có mối liên hệ sâu sắc với nhân vật chính Travis. Nhân vật Travis (Robert De Niro đóng) là một biểu tượng cho việc tự thực thi công lý bằng súng tại Mỹ.
BÀI: QUANG HÒA
TIẾP THỊ GIA ĐÌNH