Bí mật làm nên quyền lực của nữ thủ tướng Angela Merkel

Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm thứ 6 liên tiếp trên bảng xếp hạng của Forbes. Đâu là bí mật làm nên quyền lực của người đàn bà 63 tuổi này?

Không có phong cách chính trị, không có sự tinh tế, không có sự hoa mỹ, không có sức thu hút, không phải con nhà dòng dõi chính trị, cũng không phải là một diễn giả có những bài phát biểu làm rung động lòng người, nhưng nữ thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn là người phụ nữ quyền lực khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Có kế hoạch nhưng không tiết lộ

Với nền tảng là tiến sĩ vật lý học, con gái của một mục sư Tin Lành, lớn lên dưới chế độ cộng sản ở Đông Đức, trước mỗi câu hỏi, nữ thủ tướng Đức Angela Merkel luôn nghĩ rất cẩn thận trước khi trả lời và khi đã nói, mỗi từ bà nói ra đều chứa đầy sức nặng.

Trở thành thủ tướng Đức từ năm 2005, bà đã có 3 nhiệm kỳ tại vị liên tiếp. Xuất hiện trước công chúng, Merkel thường luôn trung thành với hình ảnh áo sơ mi kết hợp cùng quần dài. Người phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới này không kéo theo một đội ngũ an ninh đi theo mình mỗi khi mua sắm. Nếu bạn sống ở Đức, rất có thể bạn sẽ gặp bà vào một buổi chiều thứ Sáu tại các siêu thị để mua một chai rượu vang trắng và một con cá cho bữa ăn tối của gia đình. Người phụ nữ ấy vô cùng giản dị, không quan tâm nhiều đến thời trang, hào nhoáng nhưng những việc bà nghĩ và làm chẳng phải một chính trị gia nào cũng làm được.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu khác đã phải đầu hàng, bà Merkel lại nở rộ trong thời gian đó. Bà khéo léo đánh bật cuộc suy thoái dài hạn ở Đức bằng cách giới thiệu các gói kích thích kinh tế, rút ngắn thời gian làm việc cho người lao động, điều chỉnh các chính sách an sinh xã hội, hướng đến lợi ích của các gia đình.

nu thu tuong duc angela merkel hinh anh 2

Không chỉ quan tâm đến quyền lợi của Đức, bà cũng quan tâm đến quyền lợi chung của các nước trong khu vực. Đứng đầu nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bà đã đưa ra các phương hướng cứu vãn cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro (Eurozone) một cách kiên quyết và nhất quán, bởi với bà: “Nếu đồng euro thất bại, sau đó châu Âu sẽ thất bại”.

Khác với nhiều chính trị gia khác, bà không nói nhiều về chiến lược của mình, chỉ đơn giản trong ba chữ “từng bước một”, mặc cho ở một số nước châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, chính sách thắt lưng buộc bụng khắc khổ của bà bị biểu tình phản đối, bị xem như phát xít. Sau tất cả, bà vẫn thuyết phục và đoàn kết được khu vực đồng euro, đưa khu vực này tìm lại sự cân bằng, giúp nước Đức giữ được vị trí nền kinh tế số 1 châu Âu.

Báo chí ca ngợi bà là người mà châu Âu cần hơn bao giờ hết. Còn Sylke Tempel, biên tập viên của tạp chí Berlin Policy Journal nhận ra phong cách làm việc rất riêng của bà: “Bà ấy đi thật chậm. Đó là tất cả những gì bà làm và đó là cách bà làm việc”. Chính nữ thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng tiết lộ rằng, thời còn đi học, bà từng đứng trên một tấm ván lặn cả giờ đồng hồ trước khi cảm thấy mình có thể nhảy. Bà nói: “Đó chính là tôi. Tôi không phải người đặc biệt dũng cảm. Tôi luôn luôn cần thời gian để cân nhắc những rủi ro”. Bà luôn có kế hoạch, thậm chí có rất nhiều tùy chọn để thực hiện các kế hoạch đó nhưng không bao giờ tiết lộ. Những người làm việc cùng bà bật mí: “Bà kiểm soát rất nghiêm ngặt về thông tin, nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ bí mật tuyệt đối trong tất cả các vấn đề. Khi bạn vi phạm điều đó, bạn không bao giờ có được một cơ hội khác. Bà chỉ có 6 hoặc 7 trợ lý quan trọng và hai người trong số họ đã sát cánh cùng bà suốt 10 năm tại vị.

Sẵn sàng đối mặt

Đương đầu với khủng hoảng kinh tế, nữ thủ tướng Đức Angela Merkel cũng rất can trường khi đương đầu với vấn đề chính trị. Khi quyết định để Đức là nước châu Âu duy nhất mở cửa đón nhận người tị nạn, bà đã vấp phải sự phản đối cả trong lẫn ngoài nước. Những người ủng hộ, coi quyết định của Merkel là can đảm như cựu tổng thống Obama không nhiều. Thay vào đó, lực lượng biểu tình của Đức gọi bà là kẻ phản bội. Đồng minh chính trị đã cảnh báo về một cuộc nổi loạn sau chính sách này. Đối thủ của bà cũng cảnh báo về sự sụp đổ của nền kinh tế và văn hóa khi mở cửa cho người tị nạn. Thế nhưng, đối mặt với tất cả, bà hầu như đơn thương độc mã quyết định chào đón người tị nạn bởi với bà: “Trái tim và linh hồn của châu Âu là sự khoan dung”.

Đến giờ, làn sóng phản đối bà vẫn chưa lặng. Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình với phát biểu chỉ trích nữ thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông cho rằng, nữ thủ tướng Merkel đã mắc phải “sai lầm thảm họa” khi thực hiện chính sách nhân đạo, cho phép hơn một triệu người tị nạn di cư vào đất nước của mình. Tổng thống Donald Trump còn cáo buộc EU đang trở thành một cỗ xe, một phương tiện của Đức và cho rằng chính sách của nữ thủ tướng này đang đặt châu Âu vào vòng nguy hiểm.

Đáp lại điều này, nữ thủ tướng Đức Angela Merkel giữ thái độ bình tĩnh nhưng đầy cứng rắn, thách thức và kiên quyết. Bà khẳng định chắc nịch: “Số phận của châu Âu nằm trong tay của chính chúng tôi”. Angela Merkel là thế. Đối diện với trở ngại, bà không ngại thừa nhận đã có những sai lầm với chính sách tị nạn nhưng vẫn luôn trong tư thế quyết liệt bảo vệ những quyết định của mình. Sự kiên quyết của bà khác hẳn với con người bình thường có vẻ rất cởi mở, hài hước và hay cười mà nhiều người gặp bà đã cảm nhận được.

Khách quan mà nói, bà Merkel không phải là nguyên nhân của dòng người di cư ồ ạt vào châu Âu. Dù bà có đón nhận hay không thì những người di cư chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh cũng vẫn đến. Xây dựng hàng rào không thể ngăn được dòng người đổ xô tới. Chính những người phê phán bà cũng không đưa ra được giải pháp nào thay thế hợp lý. Để không phải chứng kiến những người tị nạn chết đuối hoặc chết lạnh, châu Âu phải lắng nghe lời thỉnh cầu của người tị nạn và tiếp nhận họ một cách có trật tự. Chính sách của bà Merkel có lẽ là giải pháp nhân đạo hiệu quả duy nhất trong tình hình hiện tại.

Trở ngại không phải là thất bại

Rất nhiều ý kiến đã cho rằng, với quyết định táo bạo này, với tình trạng khủng hoảng người tị nạn, bà Merkel có thể sẽ mất ghế thủ tướng, tự kết liễu sự nghiệp chính trị của chính mình. Thế nhưng, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, 82% các thành viên của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) vẫn ủng hộ vị trí lãnh đạo của bà và 81% mong muốn bà tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư trong cuộc bầu cử diễn ra năm 2017. Các con số thống kê về bầu cử cũng nghiêng về đảng CDU. Xem ra, bà Merkel sẽ khó có khả năng rời ghế quyền lực trừ khi chính bà tự lựa chọn. Đúng như mong đợi, bà Merkel đã tuyên bố tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư dù đã ở cái tuổi 63 và vẫn phải đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ chính sách người tị nạn.

nu thu tuong duc angela merkel hinh anh 1

Vì sao nữ thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn muốn dấn thân trên con đường chính trị? Nhiều người nhận xét, bà là người không bao giờ bỏ cuộc và không bao giờ coi trở ngại là thất bại. Với riêng bà Merkel, nói về chính trị, điều bà thấy thú vị nhất là “không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào buổi sáng và những gì sẽ xảy ra vào buổi tối. Thực tế, bạn luôn phải liên tục đối đầu với các sự kiện, các tình huống mới. Bạn gặp gỡ những người mới liên tục và tôi rất quan tâm đến mọi người. Điều duy nhất mà tôi không thích là đã không có nhiều cơ hội để nói chuyện với những người khác trong ngày”.

Niềm đam mê khác của bà trong chính trị là “giải quyết vấn đề… với thiện chí và sáng tạo”. “Quyền lực chỉ là tương đối trong hệ thống chính trị của nước Đức”, bà nói. “Mọi thứ đều dựa trên khả năng thuyết phục người khác. Tôi phải liên tục thuyết phục người dân của tôi, đảng của tôi và các đối tác liên minh của tôi”. Mục đích của bà không phải là nhà lãnh đạo, chính quyền, hay quyền lực mà là những gì tạo ra cho cộng đồng. Đây có thể là lý do giải thích tại sao bà làm việc rất hiệu quả trong nền chính trị châu Âu, thuyết phục được những người còn hoài nghi và vẫn giành được sự tôn trọng của các nhà lãnh đạo khác ngay cả sau khi vừa tranh cãi nảy lửa với họ.

Suốt 3 nhiệm kỳ cầm quyền, nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đã quen đối mặt với khủng hoảng. Và dường như sau mỗi biến động, bà càng trở thành người lãnh đạo không thể thiếu của Đức và của châu Âu. Dù năm nay, bà Merkel có tiếp tục chiến thắng nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 hay không thì bà vẫn là người phụ nữ mạnh mẽ nhất thế giới, vẫn đi vào lịch sử thế giới và vẫn sẽ là “Mutti” – tức một người mẹ thực sự mà người dân Đức đã yêu mến đặt biệt danh cho bà.

Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua