Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46 về xử phạt vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, các phương tiện nếu phạm lỗi vượt đèn vàng sẽ chịu mức phạt tương đương như khi vượt đèn đỏ. Quy định sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1−8−2016.
Theo Nghị định 46, các mức phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi phạm lỗi vượt đèn vàng như sau:
√ Đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự: 1.200.000 − 2.000.000 đồng (Căn cứ Điểm a, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 46).
√ Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự: 300.000 − 400.000 đồng (Căn cứ Điểm c, Khoản 4, Điều 6 của Nghị định 46).
√ Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: 400.000 − 600.000 đồng (Căn cứ Điểm g, Khoản 4, Điều 7 của Nghị định 46).
√ Đối với người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ: 60.000 − 80.000 đồng (Căn cứ Điểm h, Khoản 2, Điều 8 của Nghị định 46).
Trước đó, với Nghị định 171, mức phạt người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng thấp hơn mức phạt vượt đèn đỏ. Tuy nhiên với Nghị định 46, lỗi vi phạm này đã được tăng lên gấp đôi, bằng với mức phạt khi vượt đèn đỏ.
Tuy nhiên, trước khi Nghị định này được chính thức áp dụng, có khá nhiều ý kiến trái chiều cho quy định không phù hợp.
Những ý kiến ủng hộ cho rằng quy định như thế sẽ hạn chế được lượng người cố tình tăng tốc để vượt đèn vàng, giảm nguy cơ gây ra tai nạn.
Tuy nhiên, các ý kiến trái chiều đa phần đều cho rằng: Đèn vàng là tín hiệu báo chuẩn bị chuyển đổi giữa đèn xanh sang đèn đỏ, báo hiệu cho người đi đường chuẩn bị dừng lại. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian chuyển từ đèn xanh sang đèn vàng rất nhanh. Vì thế, nếu bắt buộc dừng lại khi đèn giao thông chuyển màu vàng, sẽ rất khó để phanh lại kịp thời, nghiêm trọng hơn có thể gây ra tai nạn vì phanh quá gấp.
Theo khoản 3, Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; trong khi tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Nếu tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Vì thế, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc xử phạt khi phạm lỗi vượt đèn vàng là hoàn toàn đúng quy định. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi ở đây là do tín hiệu đèn vàng chỉ xuất hiện có vài giây nên rất khó xác định được thời điểm xe đã qua trước vạch hay chưa. Vì thế quy định phạm lỗi vượt đèn vàng tương đương với mức phạt vượt đèn đỏ là chưa hợp lí.
Tiếp Thị Gia Đình