Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tổ về Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc này cần phải được nghiên cứu kỹ hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội và người dân không đồng tình với quy định nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi.
Theo thầy Trương Văn Vỹ, Giảng viên Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM, hiện nay tình trạng tội phạm ngày càng được trẻ hóa. Có những người còn quá trẻ (dưới 16 tuổi), gây ra các vụ trọng án nhưng pháp luật không thể áp dụng khung hình phạt nặng cho những đối tượng này, gây bức xúc trong dư luận. Thầy e ngại quy định nâng độ tuổi trẻ em sẽ khiến cho tình hình tội phạm ở trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng.
Thêm nữa, xét về khía cạnh tâm lý, những người trẻ muốn tự khẳng định mình sẽ không muốn bị coi là trẻ con lâu như vậy. Quy định nâng độ tuổi trẻ em sẽ góp phần tạo ra một thế hệ “những đứa trẻ mãi không chịu lớn”. Cha mẹ sẽ nghĩ rằng mình có quyền chăm sóc con, bao bọc và áp đặt con lâu hơn. Điều này ảnh hưởng lớn tới việc hình thành nhân cách, tính chủ động, sáng tạo, tự chủ của người trẻ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho rằng, nếu quy định tuổi trẻ em dưới 18 tuổi thì sẽ có rất nhiều trẻ em lấy vợ, lấy chồng nhất là ở miền núi. Hiện nay có nhiều em chỉ mới 16, 17 tuổi đã mang thai. Bởi thế, nếu nâng độ tuổi trẻ em, có lẽ sắp tới sẽ phải “xây thêm khoa sản trong bệnh viện Nhi”. Theo bà Lan, việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thực tế xã hội lẫn các quy định pháp lý.
Còn theo Phó Giáo sư − Tiến sỹ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP. HCM, quy định nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 cần phải được nhìn nhận dưới góc độ khoa học và tuân thủ những cơ sở nhất định, chẳng hạn như: Sự thống nhất về việc chịu trách nhiệm đối với hành vi với độ tuổi liên quan; sự đảm bảo tương thích với những điều kiện chung của thế giới; đảm bảo sự cân bằng trong tầm nhìn chung về tâm lý, sinh lý lứa tuổi trên toàn cầu. Bênh cạnh đó, những yếu tố khác như hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế, văn hóa; những hành vi lệch chuẩn của trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi có thể sẽ gia tăng tự nhiên…cũng là những yếu tố cần được cân nhắc.
Tiếp Thị Gia Đình