Quỹ đen trong gia đình: Đồng tình hay lên án?

Quỹ đen thường được cho là không rõ ràng, minh bạch bởi đó là khoảng tiền giấu riêng. Đồng tình hay lên án còn tùy theo mục đích của người lập!

quỹ đen

Quỹ đen là vấn đề gây tranh cãi trong gia đình. Ảnh: Shutterstock

Vừa qua, TTGĐ nhận được lá thư của một nữ độc giả, xin lời khuyên về tình huống tréo ngoe mà chị đang phải đối mặt: “Chồng mình có tính tiêu hoang từ ngày chưa cưới. Đưa vợ một phần tiền lương xong, còn bao nhiêu là anh ấy đổ hết vào đồ công nghệ, xe cộ, còn “bao” cả mấy đứa em.

Mình sợ anh tiêu pha kiểu này thì đến lúc đau ốm chả biết xoay xở kiểu gì; bèn trích tiền anh đưa hàng tháng để lập quỹ dự phòng. Quỹ tồn tại được ba năm thì được dịp dùng đến; là lúc mẹ chồng anh ấy nằm viện dài ngày và các con phải đóng góp viện phí cho mẹ. Thấy mình rút tiền từ quỹ ra, anh chồng sa sầm mặt, vặn vẹo đủ điều. Bảo là nếu đường đường chính chính thì việc gì phải giấu. Mình giải thích kiểu gì cũng không lọt tai chồng. Vậy là vợ chồng mình chiến tranh lạnh cả tuần nay rồi. Có phải việc lập “quỹ đen” là sai rồi không?”.

Tình huống mà bạn độc giả trên gặp phải rất quen thuộc trong xã hội hiện nay. Khi có quá nhiều bất trắc xảy ra như mất việc làm, tai nạn, bệnh tật, ly hôn…, lúc đó khoản tiền dự phòng sẽ phát huy công dụng “cứu nguy”.

Thế nhưng, vì là quỹ “đen” nên thường mang tính chất không rõ ràng, minh bạch. Chỉ người lập ra nó mới biết, và các khoản thu – chi sẽ không được ghi vào sổ sách chi tiêu của hai vợ chồng. Vì thế, quỹ đen được đồng tình hay lên án, còn tùy theo mục đích của người lập.

Nên duy trì quỹ đen trong trường hợp nào?

Trong mối quan hệ vợ chồng, người vợ thường chịu nhiều thiệt thòi hơn. Ngoài 8 giờ làm việc ở công sở, họ phải chăm lo nhà cửa, chăm sóc con cái. Gặp được người chồng biết yêu thương, chia sẻ với vợ thì không sao. Nhưng lấy phải ông chồng vô tâm, ích kỷ thì coi như nặng gánh cả đời. Vì thế, nhiều bà vợ nảy ra ý định lập quỹ đen với mục đích phòng thân. Việc làm này được hầu hết mọi người ủng hộ.

Quỹ đen “phòng thân” ở đây được hiểu là khoản dự phòng của riêng người vợ. Để khi họ đối mặt với những tình huống tưởng chừng không thể xảy ra thì còn có “phao cứu sinh” trợ giúp. Đó là lúc họ không may mất việc làm, bố mẹ/con cái đau ốm cần khoản tiền chữa trị lớn; hoặc khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn không thể hàn gắn, dẫn tới chia tay.

Vậy mới nói, phụ nữ thông minh nên lập quỹ đen phòng thân. Vừa để yên tâm vì không phải phụ thuộc vào chồng; vừa có thể đứng vững trong mọi tình huống dù là xấu nhất.

Quỹ đen cũng được hoan nghênh trong trường hợp vợ (hoặc chồng) có tính hoang phí; như trường hợp của nữ độc giả kể trên. Có không ít cặp đôi thu nhập “khủng”, nhưng đến khi trong nhà xảy ra biến cố cần khoản tiền lớn thì phải vay mượn khắp nơi. Hỏi ra mới biết, cô vợ tiêu hoang, chồng đưa đồng nào tiêu sạch đồng nấy. Gặp phải người bạn đời thế này, dù không muốn, ông chồng cũng đành lập quỹ đen.

Hoặc, có ông chồng bị vợ “siết” lương ghê quá; đến mức mỗi ngày ra đường trong ví không có quá 100 ngàn (vì cà phê uống ở nhà, cơm trưa vợ nấu mang đi làm, tối về nhà ăn cơm). Chẳng còn cách nào khác, họ đành giấu vợ “tăng” ngân sách chi tiêu cho mình bằng cách trữ một khoản riêng.

Suy cho cùng, những ông chồng này đáng thương hơn là đáng giận.

Quỹ đen trường hợp nào đáng bị lên án?

Không ít cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa vì câu chuyện mang tên “quỹ đen”. Người chồng tin tưởng vợ tuyệt đối nên đưa thẻ lương cho vợ giữ. Anh thấy vợ chi tiêu dè sẻn; biết vun vén cho gia đình thì hoàn toàn yên tâm. Ai ngờ cô vợ bí mật lập quỹ riêng từ chính khoản tiền lương của chồng. Mọi chuyện chỉ bại lộ khi anh chồng tình cờ đọc được tin nhắn của cò đất, nhắn vợ ra công chứng để hoàn tất thủ tục mua đất cho bố mẹ vợ đứng tên.

Tất nhiên, chẳng người chồng nào đủ kiên nhẫn để lắng nghe lời bao biện của vợ khi gặp phải tình huống này. Niềm tin dành cho vợ sụp đổ, kèm theo đó là cảm giác bị lừa dối; phản bội khiến tình cảm vơi dần. Kết quả là hôn nhân tan vỡ.

Không chỉ các bà vợ, rất nhiều ông chồng vì mục đích cá nhân cũng âm thầm lập quỹ đen. Phổ biến nhất là quỹ của những ông có “phòng nhì, phòng ba” bên ngoài, thậm chí có cả con riêng. Rồi những ông nặng gánh gia đình, lấy vợ rồi nhưng chỉ chăm chăm cấp tiền cho bố mẹ đẻ cất nhà; cho cậu em lấy vợ, cho cô em gái đi du học…

“Tiền anh làm ra, anh có quyền” – đó là câu cửa miệng của họ khi bị vợ phát hiện có quỹ riêng. Song họ không biết một điều, nếu họ chi tiêu minh bạch thì sao không thẳng thắn trao đổi cùng vợ?

Thay lời kết

Khi xây dựng tổ ấm, ai cũng mong muốn hướng tới cái chung: cùng tích lũy tài chính, cùng chăm sóc con cái, cùng giữ lửa gia đình. Thế nhưng, vì lý do nào đó, một trong hai người âm thầm lập khoản dự phòng cho riêng mình. Đồng tình hay lên án còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng quỹ của người lập ra. Tốt nhất, khi đã gắn cuộc đời với nhau, chúng ta đừng bao giờ hành động mà không nghĩ tới cảm giác của đối phương. Đồng thời cũng đừng làm gì khiến họ tổn thương!

Ý kiến của người trong cuộc

Lê Hoàng (Đạo diễn)

Vợ chồng tôi không có quỹ đen, nhưng tiền ai nấy giữ và không ai hỏi tiền ai bao giờ. Thậm chí sống với nhau mấy chục năm, tôi không biết lương của vợ là bao nhiêu. Ngược lại, bà xã cũng chưa bao giờ hỏi về cát-xê của tôi khi tham gia một chương trình.

Tuyền Mập (Diễn viên)

Chúng tôi sống với nhau trên tinh thần tự giác và thành thật. Ai cũng có một góc khuất riêng, ai cũng có tự do. Vì vậy không nên kìm kẹp nhau về kinh tế, sẽ tạo cảm giác khó chịu và gò bó. Việc có quỹ đen vẫn tốt hơn. Tuy nhiên, quỹ đen không có nghĩa là giấu diếm mọi thứ. Khi chồng đưa cho tôi một số tiền, tôi sẽ lựa thời điểm thích hợp để chủ động “kê khai” minh bạch nhằm tạo niềm tin và không gây mâu thuẫn giữa cả hai.

Thủy Tiên (Nhân viên văn phòng)

Chồng cũng tự nguyện đưa thẻ ngân hàng để tôi chủ động chi tiêu việc trong gia đình. Cần chi gì với số tiền lớn, tôi đều hỏi ý anh. Và anh cũng không phàn nàn hay chất vấn. Anh có quỹ đen hay không tôi không biết vì đó là đồng tiền anh làm ra. Chỉ cần anh vẫn chu toàn, chăm lo mọi thứ trong nhà là được.

Nguyễn Hoàng (Trưởng phòng kỹ thuật)

Tôi có nhiều nguồn thu nhập. Vợ chồng tôi vẫn chủ động chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân mà không khai báo gì. Khoản tiền nào quá lớn thì mới nói với nhau. Cái quan trọng là hai vợ chồng vẫn ý thức chăm lo kinh tế cho gia đình và nuôi dạy con cái.

Bài: Hạ Vũ
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua