Dở khóc dở cười vì “quân sư siêu hạng”

Không thiếu những trường hợp mâu thuẫn giữa vợ chồng chưa nghiêm trọng, nhưng với sự tư vấn tình cảm của bạn bè mà thành ra đổ vỡ

Người Việt Nam vốn có truyền thống quan tâm lẫn nhau nên lắm khi chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Điều đáng nói hơn, một khi đã biết chuyện “lủng củng nội bộ” nhà người khác, không ít người rất nhiệt tình tham gia bàn tán. Nếu nhân vật chính của câu chuyện cần lời khuyên hay giải pháp tháo gỡ khó khăn thì các “quân sư” tư vấn hôn nhân không chuyên này cũng sẵn sàng đáp ứng. Bởi thế, lắm chuyện dở khóc, dở cười đã xảy ra.

Suýt đánh mất hạnh phúc gia đình vì “quân sư” tư vấn hôn nhân

BẮT BỆNH LUNG TUNG

Gần đây, chị H. Y (tiểu thương ở một chợ tại TP. HCM) mất ăn mất ngủ khi nhận thấy những biểu hiện khác lạ của chồng. Anh đi sớm và về trễ hơn thường lệ, ăn mặc chải chuốt kỹ lưỡng hơn. Buổi tối, anh thường có những cuộc điện thoại nhưng thái độ nói chuyện của anh không được tự nhiên. Tuy không lén lút nhưng lại thường nói rất to như cố tình cho chị nghe thấy. Nội dung cuộc gọi chỉ có vài câu ngắn gọn như: “Ừ, ừ…”, “Khi nào lên cơ quan rồi nói nhé”, “Đang ở nhà, thôi nhé!”…

Đem mối nghi ngờ này tâm sự với các bạn hàng ngoài chợ, ngay lập tức chị nhận được những lời cố vấn từ những người phụ nữ tỏ ra rất am hiểu tâm lý đàn ông và đầy kinh nghiệm để “xử lý mấy ông chồng”.

Kết luận đầu tiên được đưa ra chắc như đinh đóng cột: Chồng chị H. Y có bồ. Giải pháp là: Phải bắt tận tay, day tận mặt cặp “mèo mả gà đồng” đó, cho cả hai một trận nhưng không được bỏ chồng vì bỏ thì “con nhỏ kia” mừng và chứng tỏ mình thua nó. Phương án theo dõi cũng được gợi ý tỉ mỉ. Chị H. Y còn được dặn dò: “Nếu cần đi đánh ghen, cứ kêu một tiếng, tụi tui hỗ trợ”.

Nghe những lời tư vấn, mổ xẻ, chị H. Y lòng dạ rối bời, nước mắt ngắn dài, thầm trách mình suốt ngày lo buôn bán, làm lụng tối mặt tối mũi để chồng con được sung sướng, nào ngờ chồng lại phản bội mình. Chị không thiết tha buôn bán. Về tới nhà, chị bực bội, cáu gắt cả chồng lẫn con. Chị lên kế hoạch theo dõi cùng sự hỗ trợ của các “tư vấn viên không chuyên”. Một ngày, chị ập vào quán cà-phê nơi chồng vừa bước vào cùng một phụ nữ. Chị túm lấy “cô nhân tình” và chửi rủa hai người không tiếc lời.

Sau, chị vỡ lẽ, công việc của anh dạo này đang trục trặc nên anh định chuyển cơ quan khác. Người phụ nữ kia chỉ là bạn, cô ấy đang tìm cách giới thiệu cho chồng chị vài người có thể giúp. Đơn giản chỉ có thế nhưng với những cái đầu “quân sư siêu hạng” của bạn chị, anh trở thành tội phạm ngoại tình. Suýt chút nữa, mái ấm gia đình chị tan nát vì ứng xử vội vàng, kém khéo léo của chị.

Việc hăng hái làm “chuyên gia” tư vấn hôn nhân không chỉ diễn ra ở phụ nữ mà ngay cả cánh đàn ông với nhau cũng có. Chủ đề phổ biến nhất là làm sao để “dạy vợ biết phục tùng” còn mình không mang tiếng sợ vợ. Các chiêu “trị vợ” được chia sẻ nhiệt tình như: Phải áp dụng “thiết quân luật” ngay từ khi mới kết hôn để vợ không được lấn lướt chồng. Thực hiện nghĩa vụ tài chính với gia đình nhưng nhất định phải có quỹ riêng vì tiền đã vào tay các bà thì khó trở lại tay mình, trong khi đàn ông có bao nhiêu việc xã giao cần phải chi dùng. Mấy chuyện cơm nước, con cái, nhà cửa… lặt vặt, đàn ông chớ đụng vào, làm giúp vợ một lần, kiểu gì các bà cũng nhờ lần sau…

Tuy nhiên, cũng như các chị bán hàng trong câu chuyện chị H. Y, các tư vấn viên này cũng dùng kinh nghiệm cá nhân là chính và trong nhiều trường hợp, lời khuyên khiến gia đình của người được tư vấn đã xào xáo lại càng thêm rối.

CÀNG GỠ CÀNG RỐI

tu van hon nhan hinh anh 1

Không thể phủ nhận, tâm sự với người thân quen cũng hiệu quả trong một số tình huống và hơn hết, nó giúp những người đang gặp rắc rối có cơ hội trút bỏ những cảm xúc tiêu cực ra ngoài. Tuy nhiên, vì vốn là người thân quen ắt sẽ chủ quan, có khuynh hướng bảo vệ cho người “phe mình”.

Bản thân người đang gặp rắc rối cũng sẽ có khuynh hướng tìm đến những người cùng cảnh ngộ, vì họ tin sẽ nhận được sự đồng cảm nhiều hơn. Điều này cực kỳ nguy hiểm, vì khả năng giải mã vấn đề sai lệch theo hệ quy chiếu của người từng rơi vào hoàn cảnh đó sẽ rất cao. Chẳng hạn, một người phụ nữ đến tìm lời khuyên về việc chồng mình ngoại tình ở một phụ nữ khác cũng từng bị chồng phản bội thì nhiều nguy cơ nhận được lời tư vấn thiếu khách quan. Một người đàn ông đang bị vợ dọa ly hôn vì tính gia trưởng nếu tìm đến người đàn ông cũng vốn tính độc đoán để xin lời khuyên thì cũng thường được cổ vũ: Cứ để thế xem vợ của ông có dám ly hôn không, đàn ông phải có bản lĩnh chứ.

Chưa kể, những người tư vấn hôn nhân không chuyên không qua trường lớp đào tạo, không có kỹ năng tư vấn lẫn kiến thức khoa học về tâm lý học mà dùng kinh nghiệm cá nhân để đưa ra lời khuyên thì không có gì chắc chắn về tính đúng đắn của những lời khuyên này.

Vì vậy, để tránh tối đa khả năng hôn nhân tan vỡ vì những “chuyên gia bất đắc dĩ”, lời khuyên chung cho các cặp đôi khi có những xích mích trong nội bộ gia đình, đó là đóng cửa bảo nhau trước. Cả hai cần bình tĩnh xem xét các vấn đề, trao đổi thẳng thắn, giải tỏa các khúc mắc và đưa ra giải pháp.

Nếu bản thân quá bối rối trong việc suy xét các vấn đề, trong phạm vi các mối quan hệ thân tình, thì có thể chia sẻ phần nào với người đủ tin cậy về sự khách quan. Tuy nhiên, luôn nhớ rằng nghe lời tư vấn của người ngoài chỉ là một kênh tham khảo để mình nhìn lại các vấn đề của mình, không nên xem đó là kim chỉ nam cho hành động.

HÃY TÌM ĐẾN CHUYÊN GIA

Tại các nước phát triển, tham vấn, tư vấn hôn nhân đã trở thành một lĩnh vực khoa học cụ thể (marriage/relationship counseling), xuất hiện từ những năm 1930 và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1960, 1970 khi tỷ lệ ly hôn tăng mạnh. Vì vậy, khi các cặp đôi gặp khó khăn, họ có thể tìm đến dịch vụ tư vấn, tham vấn chuyên nghiệp để nhận những lời khuyên khách quan, khoa học nhất.

Có lẽ các cặp đôi tại Việt Nam cũng nên hưởng ứng khuynh hướng này khi lĩnh vực tư vấn, tham vấn tâm lý đang ngày càng phát triển ở nước ta. Họ có thể tìm chuyên gia khi nhận thấy vấn đề bất ổn trong hôn nhân hoặc mối quan hệ của mình. Lúc đó, các chuyên gia tư vấn hôn nhân có thể giúp họ tìm ra nguyên nhân, hướng dẫn họ rèn luyện một số kỹ năng để điều chỉnh mối quan hệ hoặc khám phá các giải pháp phù hợp khác. Đương nhiên, thành công hay thất bại chủ yếu vẫn ở sự nỗ lực của người trong cuộc.

Một lời khuyên dành cho bạn là hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý ngay khi nhận thấy cuộc hôn nhân của mình có vấn đề để có thể nhận được những lời khuyên sớm nhất. Từ đó giúp bạn có thể điều chỉnh, cải thiện tình trạng. Bạn không nên để tình trạng trở nên rất xấu và quá sức chịu đựng của bản thân, vì khi đó sẽ khó cứu vãn hoặc nếu có cứu vãn thì trong bạn cũng đã hình thành một vết thương

Nếu trở thành tư vấn viên bất đắt dĩ

tu van hon nhan hinh anh 2

Nếu ai đó có bỗng dưng trút bầu tâm sự vào bạn thì việc tốt nhất bạn nên làm là lắng nghe và chỉ dừng lại ở đó. Bạn đồng cảm nhưng phải hết sức cẩn trọng khi đưa ra lời khuyên. Với các vụ việc nghiêm trọng, liên quan mật thiết đến sự tồn tại hoặc tan vỡ hôn nhân của người khác, tốt nhất, chúng ta nên khuyên họ đến các chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp.

Khi nào bạn cần chuyên gia tư vấn hôn nhân?

x Cả hai đều cảm thấy khó khăn trong giao tiếp với nhau.

x Nhiều xúc cảm tiêu cực xuất hiện.

x Nghi ngờ người kia ngoại tình.

x Thấy cả hai không còn như vợ chồng mà chỉ là người chung nhà.

x Không thể điều chỉnh các khác biệt trong suy nghĩ để hòa hợp.

x Cảm giác sống chung chỉ vì con.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua