Quá thân với mẹ chồng, bạn có hạnh phúc?

Quá thân với mẹ chồng có phải là một điều tốt và khiến bạn cảm thấy thoải mái hay không? Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu nhé

Giữa buổi cơm trưa, chị X. Lan (Q. 3, TP. HCM) thở dài, tâm sự với các chị em đồng nghiệp: “Lúc mới về nhà chồng, mình nghĩ làm thân với mẹ chồng ngay từ đầu, hôn nhân sẽ hạnh phúc và mình còn có thêm một người mẹ thương mình như thương con đẻ. Vì vậy, mình thường rủ mẹ cùng đi chợ, đi ăn sáng rồi nấu ăn. Phải nói là mình quá thân với mẹ chồng. Song lâu dần, sự thân thiết đó làm mình cảm thấy không thoải mái”. Liệu suy nghĩ và cảm giác của chị X. Lan có đúng?

QUÁ GẦN GŨI CHƯA CHẮC ĐÃ TỐT

than voi me chong hinh anh 2

Tiến sỹ tâm lý Terri Orbuch, Mỹ, đã quan sát cuộc sống của 373 cặp vợ chồng mới cưới vào năm 1986. Cuộc nghiên cứu này kéo dài 26 năm. Bà yêu cầu các tân nương, tân lang đánh giá mức độ gần gũi của họ với cha mẹ chồng/vợ theo thang điểm 1–4 và tiếp tục theo dõi mối quan hệ của các cặp vợ chồng này theo thời gian.

Sau 26 năm, tiến sỹ Terri Orbuch thấy, nếu người con rể có mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp với cha mẹ vợ, nguy cơ ly dị giảm gần 20%. Song, khi người con dâu có mối quan hệ quá gần gũi với cha mẹ chồng, nguy cơ ly dị lại tăng 20%.

Tại sao lại có sự vô lý này?

Tiến sỹ tâm lý giải thích, đàn ông có xu hướng xem mình là trụ cột trong gia đình rồi mới đến vai trò người cha, người chồng nên không bị ám ảnh cha mẹ vợ sẽ can thiệp vào mối quan hệ của mình. Thêm vào đó, khi người chồng gần gũi với gia đình vợ, anh đã gửi một thông điệp tình yêu đến vợ của mình: “Gia đình của em rất quan trọng đối với anh. Anh yêu thương em nên anh muốn gần gũi và yêu thương mọi thành viên trong gia đình em”. Khi cảm thấy được yêu, phụ nữ ra sức vun vén, gìn giữ hạnh phúc đang có.

Song, người làm dâu có suy nghĩ phức tạp hơn nhiều. Với nhiều phụ nữ, việc quá thân với mẹ chồng có thể khiến bạn cảm thấy gia đình chồng đang can thiệp sâu vào mối quan hệ vợ chồng và việc nuôi dạy con cái. Bạn cảm thấy không tự do và phải chịu nhiều áp lực khi chiều lòng gia đình chồng. Phụ nữ muốn lấy lòng gia đình chồng thường ít khi phản bác ý kiến hoặc bày tỏ sự không hài lòng về vấn đề nào đó mà họ chỉ kiềm nén rồi trút lên chồng hay con cái mình. Tâm trạng căng thẳng ấy là mầm mống của ly hôn mà ít ai ngờ tới.

GẦN GŨI NHƯNG CÓ RANH GIỚI

than voi me chong hinh anh 3

Đừng nói cho cha mẹ chồng nghe tất cả mọi thứ về cuộc sống của vợ chồng bạn. Nếu bị thắc mắc liên tục, bạn có thể thẳng thắn trả lời: “Con xin phép không bàn về vấn đề này”

Với kết quả nghiên cứu trên, tiến sỹ Terri Orbuch khuyên, để xây dựng cuộc hôn nhân bền vững, mối quan hệ giữa bạn và gia đình chồng không tác động xấu đến hạnh phúc của mình, bạn nên thiết lập ranh giới “khỏe mạnh” giữa mình với gia đình chồng.

Để tạo ra ranh giới bình yên, ngay trước khi bắt đầu cuộc hôn nhân, bạn đã phải vẽ ra ranh giới với ông xã của mình rồi. Bạn cần thảo luận với anh những gì khiến bạn cảm thấy khó chịu và đâu là mức độ bạn muốn gần gũi với gia đình chồng. Bạn muốn ở chung hay ở riêng? Nếu ở chung, bạn có muốn người khác trong gia đình tự do vào phòng mình? Nếu không ở cùng nhà, bạn có sẵn lòng đưa cho cha mẹ chồng một bộ chìa khóa để ông bà thích đến lúc nào tùy thích? Bạn muốn dành những ngày lễ để chăm sóc bản thân, đi du lịch cùng gia đình nhỏ hay chia đều thời gian đó cho gia đình chồng? Dù bạn chọn câu trả lời nào thì vẫn nên sống thật với chính mình mà vẫn chân thành và tôn trọng gia đình chồng, ngay từ lúc trở thành “con nhà người ta”. Nếu bạn cố gồng mình lên với mục đích lấy lòng gia đình chồng, bạn sẽ không gồng nổi suốt đời đâu.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua