Từ lúc chính thức phát hành tại Việt Nam ngày 6–8, trò chơi Pokémon GO như một cơn lốc ập tới thu hút mạnh mẽ người chơi từ trẻ em cho đến người lớn, từ học sinh, sinh viên cho đến công nhân, dân văn phòng.
Pokémon GO cũng trở thành một hiện tượng xã hội, xuất hiện trên hầu hết các trang tin tức của các phương tiện truyền thông và trong câu chuyện đời thường của nhiều người. Tiếp Thị Gia Đình cũng từng đi một bài về những tác động tốt cùng những tiêu cực của trò chơi này trên số Tiếp Thị Gia Đình 31. Trò chơi có thể có lợi, kích thích hoạt động và tạo động lực cho trẻ tự kỷ đi ra ngoài chơi. Trò chơi cũng khiến những người chơi chịu khó vận động để có thể săn được những chú Pokémon.
Song, cứ mỗi khuynh hướng mới xuất hiện cùng nhiều tác động tích cực thì đi kèm đó là những ảnh hưởng tiêu cực như tụ tập, đậu xe trái phép, lấn chiếm lòng lề đường để săn Pokémon, những vụ tai nạn hy hữu do người chơi lơ đãng, phân tâm.
Ở Việt Nam, nhiều ý kiến đã lo ngại cơn sốt này sẽ gây nghiện, có thể gây ra ảo giác, mất an toàn cho người chơi và tiềm ẩn các nguy cơ khác khi nghiện chơi như bị cướp giật điện thoại, tai nạn giao thông, thậm chí ảnh hưởng đến cả vấn đề an ninh.
HIỂU SƠ VỀ TRÒ CHƠI POKÉMON GO
Trò chơi sử dụng công nghệ định vị GPS nên người chơi cũng sử dụng bản đồ trực tuyến để đi đến nhiều nơi và bắt Pokémon. Người chơi thường đi bộ, tay cầm điện thoại để đi khắp các phố đến các PokéStop (trạm nghỉ), nằm rải rác khắp thế giới ảo trên Google Maps. Một khi đến điểm PokéStop, người chơi có thể lấy các quả bóng (Poké Balls) hay mồi nhử (lure) dùng để bắt Pokémon. Hoặc người chơi cũng có thể đến các điểm dừng đặc biệt gọi là “phòng huấn luyện (Gym)” thường đặt ở các đền, chùa, nhà thờ hoặc công viên, để chiến đấu với những người chơi khác sở hữu Pokémon mạnh.
Một câu hỏi đặt ra: Đây là một trò chơi sáng tạo, khuyến khích mọi người đi ra ngoài vận động, đồng thời tìm một thú vui nho nhỏ cho riêng mình hay tạo ra một mớ phiền toái cho xã hội, làm nảy sinh tội phạm và những xáo trộn khác?
Thật sự, dù bạn theo quan điểm nào, thích hay phản đối trò chơi này thì cũng không thể phủ nhận những tác động xã hội mà Pokémon GO đã tạo ra tại Việt Nam trong thời gian ngắn, chỉ khoảng một tháng sau khi xuất hiện. Để hiểu về đánh giá và cảm xúc của mọi người đối với trò chơi này, TTGĐ đã thực hiện nhiều cuộc nói chuyện về Pokémon GO, kể cả các game thủ ở nhiều độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau.
NHỮNG “LỚP HUẤN LUYỆN” MỚI
Ghé đến các công viên ở TP. HCM như Tao Đàn, 23–9 hay Lê Văn Tám, chắc hẳn bạn sẽ tò mò không hiểu sao tại đây lại có đông người tụ tập khác thường đến thế. Trong công viên rộn rịp người đi bộ, một mình có, theo nhóm có, tay cầm điện thoại, mắt dán vào màn hình. Thỉnh thoảng họ khúc khích cười hay phấn khích khi tìm thấy thứ gì đó. Đó là biểu hiện người ngoài nhìn vào những tay săn Pokémon. Một Facebooker đăng status nêu ý kiến về cảnh này: “Chạy ngang Tao Đàn thấy sợ thật chứ. Chỉ một trò chơi thôi mà có thể khiến giới trẻ trật tự xếp hàng dài hết cả đường, cả ở vỉa hè, đầu cúi ngoan ngoãn, ánh mắt vô hồn nhìn vào màn hình sáng”.
Trong khi người ngoài cuộc đánh giá như thế, những người chơi, hay người trong cuộc, họ nói gì?
Một sinh viên năm nhất Đại học Ngoại ngữ Tin học, TP. HCM, giấu tên, cho biết: “Sau giờ học, chúng em thường tụ tập tại đây để lấy banh, săn Pokémon và bảo vệ các phòng huấn luyện”. Cậu cho biết thêm: “Sự hấp dẫn của trò chơi có lẽ là cùng bạn bè đi đến nhiều địa điểm khác nhau để săn những chú Pokémon hiếm”.
Tương tự, chị Trúc Hồ, nhân viên thiết kế tại một công ty trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q. 3, TP. HCM, cũng là một trong những người đầu tiên bước vào thế giới Pokémon GO. “Đặc thù công việc thiết kế khiến tôi ít đứng dậy và đi ra ngoài. Ngay gần công ty tôi cũng có một PokéStop nên đến giờ nghỉ, tôi lại ra lấy bóng. Trò chơi này cũng giúp tôi và bạn trai thêm kết nối. Sau giờ làm, chúng tôi thường chạy xe lăng quăng ngắm cảnh, trò chuyện và vừa bắt Pokémon. Nó giúp quãng đường của chúng tôi thêm thú vị”.
HÃY LÀ CƯ DÂN POKÉMON GO VĂN MINH
Trái với điều có thể xem là quy luật rằng những người mê game thường là các bạn trẻ tuổi mới lớn nhưng hầu hết dân nghiện Pokémon GO không còn trẻ. Họ là những người ở độ tuổi khoảng từ 30, thế hệ cùng lớn lên với phim và truyện Pokémon. Thực sự, trò chơi đang thay đổi cách sống của nhiều người, khiến họ chịu khó vận động và đi ra ngoài nhiều hơn. Các PokéStop thường xuyên có nhiều người đến thì sẽ có nhiều mồi nhử hay dân mạng còn gọi là thính, để dụ nhiều Pokémon tới. Chính vì vậy, các điểm như công viên là nơi có nhiều PokéStop nhất. Cách thức trò chơi hoạt động theo kiểu bạn phải thật sự đến các địa điểm rồi mới dùng điện thoại để tìm và bắt Pokémon.
Anh Minh Quân, 27 tuổi, kỹ sư và cũng đang là game thủ của Pokémon GO. Anh bảo rằng trò chơi đang là chủ đề chính trong mọi câu chuyện của anh và em gái: “Nhờ trò chơi, anh em tôi nói chuyện nhiều hơn, kết nối và thân thiết với nhau hơn”.
Còn chị Thu Nguyệt, làm nghề tự do tại Q. 1, TP. HCM, thì hào hứng: “Khi tìm thấy một Pokémon mới, tôi phấn khích như thể nhặt được tiền trên đường. Đó chính là sức hút của Pokémon GO. Tuy nhiên, nếu cứ chăm chăm đi ngoài đường và lái xe vòng quanh thành phố để tìm Pokémon là hơi quá và trong một số trường hợp là rất nguy hiểm. Bạn phải chơi có chừng mực thì mới thấy vui, hấp dẫn. Thay vì chạy xe vòng vòng, bạn nên chọn một số điểm cố định như công viên, phố đi bộ để chơi và không làm ảnh hưởng đến ai”.
Thật vậy, Pokémon GO không có lỗi, lỗi do ý thức người chơi mà thôi. Đây là trò chơi khuyến khích vận động. Đơn vị phát hành game đã sử dụng kỹ thuật nhất định như khi có Pokémon xuất hiện, điện thoại sẽ rung báo hiệu để bắt. Người chơi không cần phải nhất thiết dán mắt vào màn hình 24/24.
Song, một số người chơi vẫn vô tư chơi để thỏa mãn đam mê săn Pokémon mà không để ý mình đang làm phiền đến người khác. Một số hàng quán, nhà hàng cũng từng lên tiếng vì bị làm phiền khi các tay săn Pokémon cứ lảng vảng gần hàng quán, nơi có PokéStop mà không sử dụng dịch vụ hoặc chỉ vào kêu một ly đồ uống và ngồi cả buổi chỉ để săn Pokémon. Các nhân viên bảo vệ tòa nhà cũng bị làm phiền khi một số người chơi cứ tìm cách đột nhập vào khu vực mà không xin phép. Chính vì những hành động không có ý tứ của một số người chơi nên chính quyền Bangkok, Thái Lan, đã ra quy định cấm chơi Pokémon tại một số nơi ở thủ đô đất nước chùa vàng này hay sẽ bị phạt khi vừa lái xe vừa chơi.
Mạng là ảo, kết nối là thực. Game là ảo, nhu cầu giải trí là thực. Người chơi cần suy nghĩ và chơi một cách tích cực nhất để đem lại lợi ích cho mình mà không ảnh hưởng tới người khác. Những rắc rối phát sinh đều do người chơi gây ra chứ game không có lỗi.
5 lý do nên chơi Pokémon GO
– Kết nối thật: Đi vòng vòng bắt Pokémon sẽ giúp bạn chủ động giao lưu kết nối và có thể làm quen với người bên cạnh.
– Hiểu biết hơn về địa phương, đặc biệt các di tích liên quan đến văn hóa, đền, chùa.
– Chống chây ì: Trò chơi ép bạn phải nhấc mông lên và vận động, hòa mình với thiên nhiên.
– Giảm stress.
– Chống “ế” nếu còn độc thân: PokéStop tập trung trai gái ở nhiều ngành nghề, tuổi tác, kể cả người ngoại quốc nên bạn có nhiều cơ hội giao lưu.
UYÊN HỒ
Tiếp Thị Gia Đình