Reggio Emilia: Phương pháp giáo dục đầy linh hoạt

Bạn muốn con trẻ tiếp xúc với phương pháp giáo dục hiện đại? Bạn hy vọng con có một môi trường tự do phát triển tính cách và những khả năng một cách tốt nhất? Hãy tìm hiểu phương pháp Reggio Emilia

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thị trấn Reggio Emilia bị tàn phá, trường học cũng tan nát, những người mẹ phải cùng nhau đi xin đất, các ông bố xắn tay dựng lớp học, những người già cũng hết lòng nấu nướng cho trẻ em và các mẹ. Không có giáo viên, họ thay nhau dạy trẻ. Không có chương trình giáo dục hẳn hoi, họ cùng cho trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh, qua thiên nhiên, qua trò chơi, để trả lời câu hỏi của con. Nếu con hỏi về con cá, họ sẽ tổ chức một buổi dã ngoại đến hồ nuôi cá hay cùng đi thả cá, cho cá ăn và đối thoại về cá, nói chuyện với cá. Trẻ con ở đó cứ như vậy mà lớn dần, được giáo dục trong một môi trường thiên nhiên, được dạy bằng tình thương của cả cộng đồng, tự do khám phá thực tế. Đó là câu chuyện của trẻ ở vùng Reggio Emilia ở phía Bắc Italy thời hậu chiến. Và từ đó, nhiều người đã áp dụng cách thức giáo dục này và đặt tên nó theo tên thị trấn Reggio Emilia: phương pháp Reggio Emilia.

Triết lý của phương pháp Reggio Emilia

Phương pháp này do nhà tâm lý học người Italy, Loris Malaguzzi (1920–1994) phát triển. Triết lý Reggio Emilia bắt nguồn từ niềm tin cho rằng mỗi trẻ đều có một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ chính trí tò mò vốn có. Trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh và tự đưa ra cách riêng của mình để giải thích sự vận động của thế giới. Theo Reggio Emilia, mỗi cá nhân chúng ta đều xây dựng kiến thức của mình từ những kinh nghiệm thực tế, thông qua những tương tác của mỗi người với môi trường và xã hội. Trẻ cũng vậy. Trẻ cần được nhà trường và gia đình trao cho cơ hội để xây dựng kho kiến thức của mình dựa trên trí tò mò tự nhiên của chúng.

phuong phap Reggio Emilia hinh anh 2

Hiểu thêm về phương pháp Reggio Emilia

Đối tượng của phương pháp giáo dục này chủ yếu là những trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Với phương pháp giáo dục này, môi trường rất được chú trọng. Môi trường là người thầy, cũng chính là nơi cho trẻ tìm hiểu, cung cấp cho trẻ những công cụ để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Trong phương pháp Reggio Emilia, sự hợp tác giữa các trẻ được đánh giá rất cao. Hầu hết các trường học Reggio Emilia lý tưởng đều có một “xưởng nghệ thuật” đầy đất sét, sơn và các nguyên vật liệu thiên nhiên. Trẻ sử dụng các vật liệu trong “xưởng nghệ thuật” để sáng tạo tác phẩm thể hiện suy nghĩ và hiểu biết của mình về những gì trẻ đã nghĩ hay đã học được.

Cha mẹ và giáo viên đều đóng vai trò quan trọng như nhau. Phòng học được thiết kế thân thiện để các bé cảm thấy như đang ở nhà. Chương trình đào tạo linh hoạt, mục đích để các bài học diễn ra hết sức tự nhiên như không theo kế hoạch. Các bé có thời gian để khám phá hoặc tìm hiểu các vấn đề chúng quan tâm. Phương pháp này chủ yếu xây dựng sự tự tin, giúp trẻ có những suy nghĩ độc lập.

Nhìn chung, đây là phương pháp giúp các bé phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thúc đẩy sáng tạo dựa trên ba khái niệm: Tôn trọng trẻ, xây dựng mối quan hệ và sức mạnh của môi trường học tập.

Các đặc điểm của phương pháp Reggio Emilia

Vậy điều gì làm cho phương pháp Reggio Emilia trở nên hiệu quả và phổ biến trong giáo dục mầm non?

1. Kích thích sự tò mò, quan sát của trẻ

Phương pháp này giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh, từ đó tạo nên sự yêu thích tìm tòi, học tập ở trẻ; giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo qua các hoạt động như vẽ, nặn, sáng tác tranh; phát triển khả năng hợp tác và làm việc nhóm của trẻ; giúp trẻ biết yêu và bảo vệ thiên nhiên.

phuong phap Reggio Emilia hinh anh 1

2. Phương pháp học linh hoạt, không theo khuôn khổ

Trong lớp học Reggio Emilia, việc học do trẻ quyết định, dẫn dắt. Giáo viên chỉ mang vai trò hướng dẫn, định hướng. Việc học được thực hiện theo từng dự án, giáo viên chỉ hướng dẫn và giúp đỡ khi cần thiết. Nhờ vậy, phương pháp này nhấn mạnh và cho trẻ thấy được tầm quan trọng của việc tự học.

Trẻ được quyền tự đặt giả thiết và những câu hỏi của riêng chúng, đồng thời trải nghiệm những giả thiết đó. Trẻ được kích thích so sánh với nguồn tài liệu để tự rút ra một quan điểm mới. Điều này hoàn toàn trái ngược với các phương pháp giáo dục khác, chẳng hạn như Montessori, phương pháp học dựa trên một chương trình có cấu trúc cố định, một bộ công cụ được xác định trước và cung cấp cho trẻ kiến thức quan trọng của các chủ đề trong một bối cảnh nào đó.

Phương pháp Reggio Emilia giúp trẻ có niềm vui, sự kích thích đối với việc học như thể chúng đang nghiên cứu một vấn đề mà chúng cảm thấy thú vị.

3. Nâng cao sự đồng cảm và các kỹ năng xã hội

Phương pháp này cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng các mối quan hệ. Đó không chỉ là mối quan hệ với đồng trang lứa mà còn ứng dụng với cha mẹ, thầy cô và cộng đồng. Ngoài môi trường lớp học, gia đình, trẻ còn được dạy để nhận thức sự cần thiết của tất cả mọi người xung quanh. Nhờ đó, trẻ học được cách cởi mở, tạo mối quan hệ, xây dựng tình bạn với mọi người để hiểu hơn về họ. Thông qua việc tương tác thường xuyên, tính cách trẻ sẽ được xây dựng và định hình rõ, giúp chúng có kỹ năng giao tiếp tốt.

4. Học tập theo nhóm tuổi

Khi vào lớp Reggio Emilia, trẻ được sắp xếp theo độ tuổi phát triển chứ không trộn lẫn độ tuổi như trong trường Montessori. Trường Reggio tin rằng khoảng cách tuổi tác sẽ tạo nên sự phát triển rất lớn về thể chất cũng như tinh thần. Điều này cũng là mặt hạn chế vì không cho trẻ cơ hội tiếp xúc với những độ tuổi khác nhau. Dù vậy, việc tương tác sẽ được bù lại khi trẻ đi dã ngoại, tham gia các bài học ngoại khóa.

5. Trẻ em có thể giao tiếp bằng hàng trăm thứ ngôn ngữ khác nhau

Reggio Emilia giúp trẻ nói lên được ngôn ngữ riêng của chúng, hiện thực hóa suy nghĩ của chúng bằng nhiều cách, không chỉ bằng ngôn ngữ. Trẻ thể hiện sự hiểu biết và diễn tả suy nghĩ cũng như sáng tạo của mình bằng rất nhiều cách khác nhau, thông qua các bức vẽ và điêu khắc, hay các hoạt động nhảy múa và vận động; thông qua mỹ thuật và đóng kịch cũng như các mô hình và âm nhạc. Trẻ sử dụng tất cả các giác quan và ngôn ngữ của mình để học.

Trường dạy theo phương pháp này

1. Little Saigon International Kindergarten: 25/10 Xuân Thủy, phường Thảo Điền, Q. 2, TP. HCM.
– Email: littlesaigonkindergarten@gmail.com
– Website: Littlesaigonkinder.com

2. Trường mầm non Bé Ong Sài Gòn. Cơ sở 1: 191 Hai Bà Trưng, P. 6, Q. 3, TP. HCM. Điện thoại (08) 6262 3344. Hotline 0938646148. E-mail: info@beongsaigon.edu.vn. Cơ sở 2: 193/6B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. 7, Q. 3, TP. HCM.
Điện thoại (08) 3932 2638. Hotline: 096 270 7908.

Bảo Uyên
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua