Phương pháp Orton Gillingham dành cho trẻ khó đọc

Theo quan niệm của liên đoàn thần kinh thế giới, chứng khó đọc là “một rối loạn khi trẻ em, trong điều kiện học tập bình thường, không thể thực hành các kỹ năng ngôn ngữ như đọc, viết và đánh vần đúng với khả năng trí tuệ cần có ở lứa tuổi”

Chứng khó đọc (dyslexia) là một dạng khuyết tật học tập, rối loạn về đọc dễ nhận ra với những biểu hiện như khó giải mã từng chữ, đánh vần, đọc đúng, đọc lưu loát… Chứng khó đọc nếu được chữa trị sớm, kết quả càng khả quan. Tuy nhiên, không bao giờ là quá trễ để các bé mắc chứng khó đọc nâng cao khả năng ngôn ngữ. Theo các chuyên gia, chứng khó đọc do việc suy giảm khả năng của não bộ khi chuyển hình ảnh thu nhận từ mắt hoặc tai sang ngôn ngữ hiểu. Chứng này không bắt nguồn từ các vấn đề nghe nhìn, càng không phải do chậm phát triển trí tuệ, tổn thương não hay thiếu thông minh.

Chứng khó đọc có thể chưa được phát hiện ở những bậc học sớm. Trẻ có thể nản lòng vì gặp khó khăn khi đọc, các vấn đề khác cũng góp phần che giấu chứng tật này. Trẻ có thể có dấu hiệu trầm cảm hoặc tự ti. Ở nhà hay ở trường đều có vấn đề trong hành vi. Trẻ có thể trở nên thiếu động lực và ngày càng không thích trường lớp.

ORTON GILLINGHAM, CHƯƠNG TRÌNH ĐẶC BIỆT DÀNH CHO TRẺ KHÓ ĐỌC

Trong các chương trình thiết kế đặc biệt để giúp những người khó đọc bằng cách giảng dạy rõ ràng mối liên hệ giữa chữ cái và âm thanh, phương pháp Orton Gillingham được đánh giá cao hơn cả. Chương trình có cấu trúc giúp phân nhỏ ý tưởng về đọc và đánh vần thành các kỹ năng nhỏ hơn liên quan đến chữ cái và âm thanh và từ đó, xây dựng, phát triển kỹ năng này theo thời gian. Đây cũng là phương pháp tiếp cận đa cảm, tức là các giảng viên sử dụng thị giác, thính giác, cảm giác và cả chuyển động để giúp học sinh kết nối ngôn ngữ bằng chữ cái và từ.

phuong phap Orton Gillingham hinh anh 656431522

ORTON GILLINGHAM TẬP TRUNG VÀO NHỮNG GÌ?

Phương pháp Orton Gillingham tập trung vào việc giảng dạy các từ cho trẻ em mắc chứng khó đọc. Tuy nhiên, mục tiêu chính của chương trình không phải giúp phát triển khả năng đọc và hiểu mà để trẻ hiểu và định nghĩa về đọc là như thế nào. Cách tiếp cận này sử dụng nhiều phương pháp để giúp trẻ học cách đọc dễ dàng hơn.

Ví dụ, trẻ có thể học chữ cái bằng cách nhìn, gọi tên hoặc  dùng tay viết chữ trên cát… Phương pháp Orton Gillingham cũng nhấn mạnh đến việc hiểu “làm thế nào” và “tại sao” đằng sau việc đọc. Trẻ mắc chứng khó đọc có thể khám phá lý do tại sao một chữ có thể ghép thành nhiều vần, nhiều từ. Khi hiểu được các quy tắc, bé có thể “giải mã” từ dễ dàng. Đây là tiền đề để trẻ vượt qua chứng khó đọc.

PHƯƠNG PHÁP NÀY HOẠT ĐỘNG RA SAO?

Bước đầu tiên là kiểm tra để xác định kỹ năng đọc của một học sinh, để biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của từng em. Sau đó, học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ với các bạn có trình độ tương đương. Giáo viên/người hướng dẫn sẽ tiếp cận và dạy các kỹ năng cho trẻ theo một trình tự nhất định dựa trên sự hiểu biết và các tiếp nhận của từng trẻ. Ví dụ, nhóm đầu tiên có thể học để tạo ra sự kết nối giữa âm thanh và chữ cái, đại diện cho một từ nào đó.

Bước tiếp theo là học cách nhận ra âm thanh/từ bằng lời. Học sinh phải nắm vững từng kỹ năng trước khi chuyển sang các bước kế tiếp. Nếu học sinh bối rối hoặc chưa hiểu, người hướng dẫn sẽ phải kiên trì dạy lại kỹ năng đó từ đầu. Mục đích chính là để học sinh dùng những kỹ năng học được để giải mã các từ một các độc lập. Điều quan trọng của việc dạy cho trẻ khó đọc là bạn phải biết chương trình học nào được sử dụng và cách thức hoạt động của chúng. Từ kiến thức các em có được, bạn sẽ biết liệu con bạn có đạt được mục tiêu của chương trình hay không.

phuong phap Orton Gillingham hinh anh 661722745

HỌC ORTON GILLINGHAM Ở ĐÂU?

Có thể nói phương pháp Orton Gillingham là một chương trình được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đó là lý do vì sao trên thế giới rất nhiều giáo viên, trường học sử dụng chương trình này để dạy cho trẻ gặp chứng khó đọc. Thâm chí, nhiều trường học bình thường cũng áp dụng cách này trong việc dạy đọc thông thường. Chẳng hạn, các giáo viên sẽ vẽ nhiều chữ cái trên sàn nhà, rồi các bé sẽ làm “cuộc đi dạo” quanh phòng học để tạo cảm hứng cho việc đọc. Hiện nay, nhiều trường học tại Việt Nam cũng đã áp dụng phương pháp này, ngay cả khi các em không mắc chứng khó đọc. Nhiều trường hướng dẫn phương pháp Orton Gillingham thông qua chương trình giáo dục cá nhân (IEP).

Tuy nhiên, ở Việt Nam, chứng khó đọc chưa được quan tâm đúng mức. Xuất phát từ thực tế đó, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Sư phạm TP. HCM đã xây dựng thành công nhóm bài tập giúp trị liệu chứng khó đọc. Đề tài này từng đạt giải nhất Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012. Nhóm nghiên cứu gồm sinh viên Đặng Ngọc Hân và Lê Thị Thùy Dương, dưới sự hướng dẫn của PGS-TS Nguyễn Thị Ly Kha, Trưởng khoa Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM.

Đây là phương pháp giảng dạy kết hợp đồng thời hình ảnh, âm thanh, xúc giác, vận động để góp phần nâng cao trí nhớ và khả năng học tập. Ví dụ, với âm b hoặc d, trẻ sẽ chọn chữ qua các trò chơi trên máy tính, vừa cho trẻ nặn các âm kể trên bằng đất sắt, vẽ trên bột.  Đây cũng là phương thức khá giống với phương pháp Orton Gillingham.

phuong phap Orton Gillingham hinh anh 3

Thông tin thêm

– Không quá xa lạ trên thế giới nhưng ở Việt Nam, chứng khó đọc vẫn còn là khái niệm mới mẻ. Hầu hết giáo viên, phụ huynh học sinh còn chưa hiểu nhiều về chứng này và không một trường nào có chương trình giáo dục bổ sung phù hợp. Biết bao gia đình và giáo viên đã bế tắc trong việc tìm phương pháp nâng cao kết quả học tập cho trẻ khó đọc.

– Được sự bảo trợ của Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 6–2016, nhóm Against The Odds đã lập trang Facebook Nối vòng tay lớn – Giúp đỡ trẻ em vượt qua chứng khó đọc. Trang Facebook là địa chỉ hữu ích để các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh… chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, bài tập thực hành cho chứng khó đọc. Nhóm đã huy động các chuyên gia giáo dục và truyền thông, các nguồn tài trợ; tuyển tình nguyện viên, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các bạn để thực hiện dự án. Đặc biệt, nhóm đang biên tập tài liệu về chứng khó đọc, viết bài giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện truyền thông.

– Khi nghi ngờ trẻ có nguy cơ mắc chứng khó đọc, gia đình nên đưa trẻ đi khám (tại các phòng khám tâm lý, bệnh viện) để  can thiệp kịp thời, giúp trẻ hòa nhập bạn bè, trường lớp.

Theo nghiên cứu dịch tễ tại các trường học ở Việt Nam cho thấy, gần 9% học sinh tiểu học mắc chứng khuyết tật học tập, trong đó có chứng khó đọc; tỷ lệ ở học sinh trung học cơ sở cũng trên dưới 1%. Nếu trẻ gặp vấn đề này, bạn có thể nghiên cứu phương pháp Orton Gillingham.

 

Bài: UYÊN HỒ

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua