Phương pháp 5E giúp con học khỏe re

Dạy con theo phương pháp 5E giúp con có khả năng làm chủ suy nghĩ, lập luận mạch lạc, tư duy logic và tính kỷ luật cao

 Phương pháp 5E có lịch sử khá lâu đời và đang được áp dụng nhiều trong các phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy học sinh làm trung tâm.

Phương pháp 5E là gì?

Mô hình giảng dạy theo phương pháp 5E ra đời năm 1987. Nó được phát triển bởi tác giả Rodger W. Bybee cùng cộng sự của mình trong tổ chức giáo dục Nghiên cứu giáo trình dạy Sinh học (BSCS – Biological Sciences Curriculum Study), tại bang Colorado, Mỹ. 5E được phát triển dựa trên lý thuyết kiến tạo (constructivism) về học tập.

Theo phương pháp 5E, người học sẽ cùng nhau xây dựng kiến ​​thức, chủ động khám phá các khái niệm mới thông qua các trải nghiệm học tập cụ thể. Lúc đầu, nhóm nghiên cứu xây dựng phương pháp 5E chỉ để nhằm giúp học sinh học môn sinh học thực nghiệm dễ dàng hơn. Sau đó, phương pháp 5E được áp dụng rộng trong nhiều môn khoa học khác như toán, công nghệ, kỹ thuật. Nó được áp dụng phổ biến đến tận ngày nay trong các phương pháp dạy học hiện đại, điển hình như STEAM.

Tại sao lại là phương pháp 5E? Đó là vì mô hình dạy học này gồm 5 giai đoạn học tập và tất cả đều bắt đầu bằng chữ E.

Học sinh và giáo viên làm gì trong phương pháp 5E

Engage – Gắn kết, tham gia

Vai trò của học sinh:

◗ Giúp con tìm chủ đề mà con thấy thích thú, quan tâm, muốn tham gia. Đây là khởi đầu tốt của mọi hoạt động học hỏi.

◗ Khuyến khích con đặt ra nhiều câu hỏi như: Tại sao điều đó xảy ra? Còn điều gì chưa rõ cần tìm hiểu thêm?

◗ Thu hút sự tò mò của trẻ bằng cách đặt các câu hỏi mở.

Vai trò của giáo viên:

◗ Giúp con cảm thấy có sự kết nối với những kiến thức hoặc trải nghiệm trước đó. Giai đoạn này cho phép trẻ liên hệ lại với các trải nghiệm và quan sát thực tế mà con đã có trước đó. Đồng thời, giáo viên/cha mẹ cũng giới thiệu các khái niệm mới cho con.

Explore – Khảo sát, khám phá

Vai trò của học sinh:

◗ Đưa ra một tình huống, khuyến khích con dự đoán và đưa ra giả thuyết mới.

◗ Kiểm tra dự đoán và giả thuyết có khả thi.

◗ Trẻ cần ghi lại các quan sát và ý tưởng của mình.

◗ Đặt câu hỏi liên quan, mở rộng.

◗ Suy nghĩ tự do (trong giới hạn chủ đề Phương pháp 5E).

Vai trò của giáo viên:

◗ Khuyến khích con và các bạn học cùng nhau mà không cần giáo viên hướng dẫn trực tiếp.

◗ Quan sát và lắng nghe các con tương tác với nhau.

◗ Hỏi các câu hỏi để chuyển hướng nghiên cứu của các con tới kiến thức cần tiếp cận khi các con lạc đề.

◗ Cung cấp thời gian đủ để các con giải quyết vấn đề vừa đặt ra.

◗ Tư vấn nhiệt tình, đưa ví dụ sinh động khi các con thắc mắc.

◗ Lập ra các vấn đề “cần phải biết” cho trẻ khoanh vùng khảo sát, tránh lan man.

Explain – Giải thích

Vai trò của học sinh:

◗ Để trẻ học nhóm. Trẻ sẽ học lắng nghe giải thích của những bạn khác trong nhóm. Khuyến khích con đưa ra giải pháp cho các bạn khác trong nhóm.

◗ Trẻ cần trình bày, miêu tả, phân tích các trải nghiệm hoặc quan sát thu nhận được ở bước khảo sát theo cách của riêng mình.

◗ Liên tục hỏi các câu hỏi kiểm tra con đã hiểu về giải thích của bạn khác chưa.

◗ Trẻ học lắng nghe và cố gắng thấu hiểu.

◗ Con sẽ tự giải thích các vấn đề bạn đặt ra. (Phương pháp 5E)

◗ Ghi âm hoặc ghi chép lại các giải thích trong buổi trao đổi.

◗ Tự đánh giá những hiểu biết vừa học được, có thích không, thú vị không…

Vai trò của giáo viên:

◗ Khuyến khích con giải thích các khái niệm và định nghĩa theo cách riêng của mình.

◗ Yêu cầu con chứng minh bằng lập luận, bằng chứng và giải thích “để bố mẹ hiểu rõ hơn”.

◗ Tổng hợp kiến ​​thức mới, giải thích định nghĩa, khái niệm cho học sinh nếu các em tiếp cận chưa đúng.

◗ Giới thiệu các thuật ngữ mới, khái niệm mới, công thức mới, giúp học sinh kết nối và thấy được sự liên hệ với trải nghiệm trước đó.

◗ Đánh giá sự hiểu biết ngày càng tăng của học sinh.

Elaborate – Áp dụng cụ thể

Vai trò của học sinh:

◗ Áp dụng những gì đã học được ở bước giải thích vào một tình huống/hoàn cảnh thực tế.

◗ Sử dụng kiến thức đã có để đặt câu hỏi, đề xuất giải pháp, đưa ra quyết định và thực hành.

◗ Rút ra kết luận hợp lý bằng bằng chứng cụ thể.

◗ Ghi lại các quan sát và giải thích (Phương pháp 5E).

◗ Kiểm tra sự hiểu biết giữa các thành viên trong nhóm để đúc kết kiến thức.

Vai trò của giáo viên:

◗ Con sẽ áp dụng những kiến thức đã “lượm” được ở bước giải thích, vào tình huống mở rộng thực tế.

◗ Giáo viên/phụ huynh giúp con thực hành và vận dụng các kiến thức đã học được. Cần giúp con hiểu kiến thức sâu sắc hơn, kỹ năng khéo léo hơn.

◗ Khuyến khích học sinh áp dụng hoặc mở rộng các khái niệm và kỹ năng trong tình huống mới.

◗ Có thể yêu cầu học sinh trình bày chi tiết hoặc tiến hành khảo sát bổ sung để củng cố các kỹ năng mới.

Evaluate – Đánh giá

Vai trò của học sinh:

◗ Cho trẻ thể hiện sự hiểu biết bằng cách thực hiện các bài kiểm tra do giáo viên/cha mẹ đặt ra. Dạy con quan sát, học hỏi hoặc cho con áp dụng kiến thức mới vào tình huống thực tế do bạn đặt ra. (Phương pháp 5E).

Vai trò của giáo viên:

◗ Bạn cần linh hoạt sử dụng các kỹ thuật đánh giá để nhận biết quá trình nhận thức và khả năng của con mình. Có thể thực hiện bằng buổi tự đánh giá, bài viết thu hoạch, bài tập trắc nghiệm, hỏi đáp nhanh hoặc các sản phẩm.

◗ Đánh giá kiến thức và kỹ năng của con khách quan, sau đó đưa ra phương hướng điều chỉnh và hỗ trợ con, giúp con đạt được mục tiêu học tập đã đề ra.

Mách bạn mẹo nhỏ thực hành phương pháp 5E

• Giai đoạn Engage thường diễn ra ở đầu tiết học. Bạn nên khuyến khích con tham gia bằng việc đưa ra yêu cầu ở cuối tiết học trước đó. Ví dụ, bạn có thể khơi gợi qua bài tập về nhà, cho xem video, trang web, báo chí để con có thời gian nghiên cứu trước và đưa ra điều mình thích khi lên lớp. (Phương pháp 5E)

• Cách dễ nhất để tiến hành chữ E thứ hai (Explore) là thay vì cho học lý thuyết trước, bạn hãy cho con thực hành trước. Con sẽ trực tiếp thí nghiệm. Quy trình thí nghiệm sẽ giúp con có thêm những ý tưởng mới, có nhiều câu hỏi đặt ra.

• Bước Explain đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả người hướng dẫn và học sinh. Con sẽ giải thích theo hiểu biết của riêng mình. Do đó, sẽ có rất nhiều nhầm lẫn, khúc mắc. Bạn chỉnh sửa các sai lầm, hướng trẻ đến cách tiếp cận đúng nhưng không được làm tổn thương hiểu biết mà con đã kỳ công tìm hiểu.

• Mục tiêu chính trong bước Elaborate là giúp con không chỉ hiểu và nắm vững khái niệm mà còn áp dụng thành thạo những hiểu biết đó vào các bối cảnh khác nhau, tình huống khác nhau. Thách thức đặt ra trong giai đoạn này nên vừa đủ. Nếu vượt qua được thách thức, các em sẽ tự tin hơn, đam mê hơn.

• Ở giai đoạn Evaluate, cách đánh giá của bạn cần linh hoạt với năng lực của con. Con giỏi giao tiếp có thể trình bày bằng hỏi đáp nhanh, nếu chưa tự tin thì viết bài thu hoạch. Hãy cung cấp cơ hội cho con được thể hiện và chứng minh sự hiểu biết của mình.

Bài: GIA PHÚ

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua