Phượng Nguyễn không bao giờ quên ngày 10–11–2012. Đó là ngày khai trương của tiệm hoa Liti Florist, dù chỉ là một tiệm hoa online, bán trên Facebook. Ngày đi làm, tối miệt mài bó hoa trả khách, mệt nhưng Phượng Nguyễn vui, vì cách cắm hoa khác người của cô ấy đã có con đường riêng.
Mở đường cho hoa sáng tạo
Cắm hoa là sở thích của Phượng Nguyễn từ lâu. Tôi yêu những bông hoa đồng nội, hoa dại, được cắm hoặc bó một cách giản dị, tự nhiên nhất. Sở thích là thế nhưng tôi không tìm được chương trình phù hợp để theo học. Tôi tự mày mò tìm các bài dạy cắm hoa của nước ngoài trên YouTube, tự thực hành và tích lũy kinh nghiệm. Những bó hoa đầu tay được làm theo cảm xúc và sự sáng tạo, có màu sắc thanh nhã, giấy gói hiện đại đã tạo nên sự khác biệt so với những bó hoa bán ngoài thị trường nhưng thực sự vẫn còn nhiều khiếm khuyết về kỹ thuật. Đó cũng là lý do để tôi quyết tâm phải đi học và tìm tòi về hoa ở các nước khác. Bất cứ khi nào có dịp đi du lịch nước ngoài, tôi đều tự lọ mọ tìm đến các chợ hoa và các tiệm hoa nổi tiếng tại địa phương đó. Sau cùng, tôi đã quyết tới London (Anh) học về kỹ thuật cắm hoa của châu Âu.
Có ra nước ngoài mới thấy thị trường hoa của Việt Nam còn quá nghèo nàn. Nguồn nguyên liệu không phong phú, mà dụng cụ cần thiết để thực hiện công việc nghề hoa cũng không đầy đủ. Đặc biệt, kỹ thuật bó hoa quá lạc hậu, nhàm chán. Tham dự khóa học, tôi học từ cách xếp các bông hoa theo cùng một chiều nghiêng 30 độ, để khi muốn rút ra chỉnh sửa một bông bất kì cũng không ảnh hưởng đến các bông còn lại. Sau khi bó xong, bó hoa có thể đứng thẳng được mà không cần đến bình hoa. Đó là những kỹ thuật sơ đẳng nhưng không phải người thợ hoa nào ở Việt Nam cũng biết. Tôi cũng nhân dịp này để tìm các nhà cung cấp hoa, tìm cách nhập hoa về Việt Nam. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ đó, đến nay Liti Florist là một trong số ít các công ty nhập khẩu trực tiếp hoa từ Anh, Hà Lan, New Zealand, Đài Loan… Tôi vui vì mình cùng một số đồng nghiệp khác là một trong những người tiên phong trong xu hướng hoa sáng tạo tại thị trường Việt Nam.
Phượng Nguyễn tạo niềm tin và ấn tượng cho khách hàng không chỉ bởi những bó hoa đẹp, mà là sự tinh tế trong từng chi tiết
Đối phó với cạnh tranh tứ phía
Làm hoa tươi không phải là một nghề nhàn hạ. Phía sau một bông hồng đẹp kiêu sa cũng có rất nhiều gai nhọn. Khi nhập khẩu hoa, tôi phải dự tính được số lượng hàng bán ra để không bị thừa hay thiếu hàng. Đã có lúc, chuyến bay chở hoa bị trễ khi quá cảnh, hơn 100kg hoa đặt từ nước ngoài về bị héo, không sử dụng được. Thương hoa, xót của, nhưng việc quan trọng nhất là làm sao để theo kịp tiến độ sự kiện. Những lúc ấy, tôi phải tìm mọi cách có nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng để thực hiện sản phẩm đúng cam kết với khách hàng.
Qua bốn năm gây dựng, từ một tiệm hoa nhỏ chỉ bán online với hai nhân viên, Liti Florist đã có hai tiệm hoa ở Phố Huế và Kim Mã, Hà Nội và công ty hiện có 29 nhân viên toàn thời gian. Đi cùng với sự phát triển của thương hiệu là những khó khăn phải đối mặt. Thị trường hoa sáng tạo càng phát triển, tôi càng có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh. Theo đúng quy luật của kinh doanh, các cửa hàng thành lập sau không phải mất thời gian, chi phí nghiên cứu, phát triển thị trường hay nghiên cứu thị hiếu khách hàng nên họ cũng có thể giảm chi phí. Nguồn nhân lực hoa tại Việt Nam thì vô cùng thiếu vì Việt Nam chưa hề có một trường hay trung tâm đào tạo chính quy cho nghề hoa. Việc phát triển của Liti Florist luôn kéo theo nhiều vấn đề mà tôi phải cân nhắc tính toán, trong đó vấn đề khó khăn nhất đối với tôi vẫn là nhân sự.
Tôi cũng mừng vì Liti Florist luôn có chỗ đứng riêng trong lòng khách hàng. Với mỗi cửa hàng, tôi tạo niềm tin và ấn tượng không chỉ bằng những bó hoa đẹp, nhân viên thân thiện mà từ những chi tiết rất nhỏ như túi xách, phụ kiện đi kèm có thiết kế tinh tế, cách bài trí cửa hàng hiện đại, âm nhạc nhẹ nhàng… Liti Florist hiện là công ty hoa tươi duy nhất được tổ chức PUM Hà Lan cử các chuyên gia trên 30 năm kinh nghiệm chuyên môn đào tạo về kỹ thuật thực hiện bó, cắm hoa trực tiếp tại Hà Nội.
Viết tiếp ước mơ
Năm 2013, tôi vinh dự là một trong ba đại diện của Việt Nam, nằm trong nhóm 10 lãnh đạo trẻ ASEAN được chính phủ New Zealand hỗ trợ khởi nghiệp. Trong chương trình làm việc tại đất nước nông nghiệp sạch này, tôi đã tìm được những nguồn hoa không chỉ đẹp mà còn “sạch hữu cơ 100%”. Tiếp theo những sản phẩm của New Zealand này, tôi đang tìm thêm nhiều sản phẩm hoa có xuất xứ rõ ràng, để những bó hoa từ Liti Florist khi đến với khách không chỉ sáng tạo, phong cách, mà còn an toàn với sức khỏe. Tôi đang triển khai và hoàn thiện dần ước mơ này.
Bên cạnh đó, tôi đang phát triển thêm một kênh bán hàng mới thông qua ứng dụng 2Give. Dù bất cứ đâu trong khu vực, bạn vẫn có thể đặt hoa gửi tặng bạn bè, người thân. Tôi có mạng lưới liên kết các đối tác ở Kuala Lumpur, Malaysia và các nước Đông Nam Á khác để họ bó hoa theo đúng mẫu và giao đến khách hàng ở quốc gia đó.
Hoa tươi là cầu nối cho tôi được gặp những khách hàng thú vị, những đối tác tin cậy và những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp quan trọng. Tiếp tục phát triển Liti Florist và cùng những bạn trẻ trong nghề góp phần phát triển ngành hoa Việt là những ước mơ tôi đang viết tiếp trong hành trình của mình.
Thông tin thêm
√ Phượng Nguyễn sinh năm 1984, là người sáng lập và giám đốc Liti Florist, với hai cửa hàng đặt tại 229 Kim Mã và 3 phố Huế, Hà Nội.
√ Liti Florist của Phượng Nguyễn là công ty hoa duy nhất tại Hà Nội nhận được hỗ trợ từ tổ chức các chuyên gia Hà Lan – PUM Netherlands từ tháng 10–2015, đồng thời là 1 trong 7 công ty khởi nghiệp nhận hỗ trợ từ tổ chức IPP Phần Lan từ tháng 9–2016. Phượng Nguyễn nằm trong Top 10 nhà lãnh đạo trẻ ASEAN do Chính phủ New Zealand hỗ trợ từ tháng 6–2016.
Bài: Lệ Thủy
Tiếp Thị Gia Đình