Mặc quần jeans, áo pull tươi tắn, Phương Khánh trông rất trẻ so với tuổi 23. Lối nói chuyện chân phương dễ gây cảm tình, Khánh cười khoe răng khểnh: “Giờ Khánh chết tên với vai Lụa luôn rồi. Khán giả tình cờ gặp ngoài đường toàn kêu Lụa, Lụa”.
TTGĐ: Gặp Khánh mới thấy bạn khác hẳn cô y tá Lụa trong phim Cù lao lúa. Tập cho nền nã rặt chất miền Tây chắc khó lắm?
PHƯƠNG KHÁNH: Khánh là con gái Sài Gòn, tính tình nhanh nhảu và vẫn còn trẻ con lắm. Trước khi đảm nhận vai chính, Khánh toàn đóng vai tomboy hoặc vai phụ có tính cách tưng tửng. Lần Khánh đến nhận vai Lụa, đạo diễn cứ chép miệng: “Thiếu nữ miệt vườn gì mà cử chỉ mạnh bạo, bộp chộp quá, bớt nam tính giùm anh đi em”. Thú thiệt, Khánh có chút hoang mang mỗi lần thấy đạo diễn chau mày. Biết là phải cố gắng nhưng khi diễn cảnh ăn nói từ tốn, cử chỉ khoan thoai, Khánh lại ngượng ngập. Tranh thủ lúc không có cảnh quay, Khánh ra chợ ngồi nói chuyện với mấy chị mấy dì miền Tây, để ý cách họ nói năng, cả cái kiểu quệt tay lau mồ hôi rặt Nam bộ cũng phải học. Dần dần, nếp ăn nói nhiễm vào mình, diễn xuất dần tự nhiên hơn. Riêng nghề y tá trong phim, Khánh cũng bỏ hơn một tuần đến trung tâm y tế gần nhà ngồi xem chị y tá đo huyết áp, lấy ven thế nào, rồi về tưởng tượng cái gối ôm là bệnh nhân, tập thao tác cho thuần thục.
Bộ phim được khán giả miền Tây đón nhận, họ cứ nghĩ Khánh là Lụa nên thậm chí khi Khánh trang điểm đậm chụp ảnh cho báo chí và khoe trên Facebook, nhiều khán giả gửi tin nhắn bảo chỉ muốn Khánh giản dị như Lụa thôi (cười).
TTGĐ: Được khán giả thương, coi như quá trình bạn xâm nhập thực tế đã được đền đáp. Tôi từng nghe một nữ diễn viên than rằng đội nắng dầm mưa đóng phim cả năm không bằng cô diễn viên mới nổi lộ ảnh nóng. Bạn nghĩ sao?
PHƯƠNG KHÁNH: Khánh nhớ hoài lời dặn của thầy chủ nhiệm ở trường Sân khấu – Điện ảnh. Thầy bảo: “Đời tụi con gắn với nghiệp diễn rồi thì chỉ diễn trên sân khấu, trên phim thôi, về đời thực tuyệt đối đừng diễn, mệt đầu lắm”. Khánh ấn tượng với lời dặn đó nên luôn tâm niệm diễn viên là nghề bình thường như bao nhiêu nghề. “Người vào cởi áo lau son phấn, trả cả vinh quang lẫn đoạn trường”, Khánh chỉ muốn về tới nhà được trở lại là chính mình, không bon chen giả tạo. Sống mà đeo mặt nạ diễn xuất thì bất hạnh lắm.
TTGĐ: Cách suy nghĩ của bạn có vẻ khép kín. Bạn có ngại với cá tính này thì khó nổi tiếng trong ngành công nghiệp giải trí?
PHƯƠNG KHÁNH: Nổi tiếng thì ai cũng muốn, quan trọng là nổi tiếng về khả năng diễn xuất, bản lĩnh sân khấu hay vì chấp nhận bị “ném đá” do sốc-sex-sến. Tính Khánh nhát gan nên chắc chắn không đủ tự tin đạp trên dư luận mà xây dựng tên tuổi. Thôi đành vui với thành quả nho nhỏ mà mình có được nhờ công chịu khó bám đoàn phim, ăn cơm bụi, lội ao bùn.
Khánh mộ đạo Phật và tin vào nhân quả nên tự rút ra thái độ sống biết chấp nhận và quý trọng những gì do mình tạo ra. Mà Khánh đã được nếm quả ngọt rồi đó nghen. Kỳ rồi Khánh ra Nha Trang đóng phim Tình yêu biển đảo, mấy em nhỏ và người dân địa phương khi gặp đều nhận ra Khánh. Nghỉ giữa cảnh quay, mấy em đến chơi và tặng Khánh vỏ ốc, hoa dại và trái cây nữa, nhớ tới thương lắm.
TTGĐ: Nếu miêu tả một từ về quan niệm sống của mình, Khánh sẽ dùng từ gì?
PHƯƠNG KHÁNH: “Hiếu”! Ba mẹ luôn dạy Khánh đặt chữ hiếu lên hàng đầu, và ba mẹ là tấm gương sáng nhất về lối sống hiếu đạo. Nhà nội Khánh ở Củ Chi nhưng hễ có giờ rảnh là ba lại tất tả về quê để được chăm sóc bà nội hơn 80 tuổi, đôi khi chỉ để ăn cùng bà bữa cơm. Nghe cái gì bổ cho sức khỏe, ba tìm cho bằng được để bà nội ăn. Mùa Vu Lan, cả gia đình cùng nhau lên chùa cầu nguyện cho gia đình đầm ấm, đề huề. Gia đình là điểm tựa giúp Khánh luôn vững vàng trong cuộc sống.
TTGĐ: Cảm ơn Phương Khánh. Chúc bạn luôn hạnh phúc và có nhiều vai diễn hay.
PHƯƠNG KHÁNH BẬT MÍ
√ Năng động, tự lập, chủ động về tài chính nhưng Phương Khánh chưa nghĩ đến việc ra riêng. Sau giờ làm, cô chỉ nghĩ về gia đình, muốn về với gia đình. Thời gian thư giãn, thay vì đi cà-phê, gặp gỡ bạn bè, Khánh chỉ thích cùng mẹ và em gái đi chợ mua thức ăn về chế biến tại nhà.
√ Mê gia đình “hơi bị quá”, Phương Khánh tiết lộ tiêu chí chọn bạn đời cũng “hơi bị khác người” – không cần quá lãng mạn, chỉ cần chững chạc và yêu thương gia đình.
√ “Người chững chạc quá thường khô khan và không lãng mạn kiểu tặng hoa hồng.
Theo Tiếp Thị Gia Đình