Theo nghiên cứu công bố trên Journal of Health and Social Behavior (12–2015) của các nhà khoa học Mỹ, phụ nữ sinh con đầu lòng sớm có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sức khỏe sau này. Nghiên cứu dựa trên khảo sát hơn 3.300 phụ nữ Mỹ trong khoảng thời gian từ 1979 đến 2008. Các đối tượng này sinh con đầu lòng trong độ tuổi 15–35.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ nữ sinh con đầu lòng ở độ tuổi 25–35 có sức khỏe tốt hơn phụ nữ sinh con đầu lòng ở độ tuổi 15–24 khi họ bước vào độ tuổi trung niên.
Tác giả của nghiên cứu, giáo sư Kristi Williams (Đại học Ohio, Mỹ) cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên của Mỹ phát hiện ra mối liên quan giữa việc phụ nữ sinh con đầu lòng sớm và tình trạng sức khỏe xấu đi sau này ở độ tuổi trung niên, dựa trên khảo sát phụ nữ da trắng và da màu.
Nghiên cứu còn bác bỏ một nhận định khá phổ biến hiện nay là phụ nữ có con nhưng không kết hôn sẽ khỏe mạnh hơn khi họ kết hôn muộn sau này. Theo các nhà nghiên cứu, sức khỏe của phụ nữ kết hôn muộn sẽ tệ hơn ở độ tuổi 40 so với những phụ nữ vẫn duy trì cuộc sống độc thân.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc khích lệ những người mẹ đơn thân kết hôn có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn về sức khỏe. Ở Mỹ, hiện có 1/3 số phụ nữ sinh con đầu lòng ở độ tuổi 20–24 và hầu hết đều trong tình trạng độc thân. Và họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe xấu đi nhiều hơn ở độ tuổi trung niên so với những phụ nữ sinh con đầu lòng sau 25 tuổi, Williams nhấn mạnh.
Tiếp Thị Gia Đình