Có nên cho con luyện viết chữ đẹp?

Nhìn những con chữ thẳng hàng, đều tăm tắp, bạn cảm thấy thật thích thú và dễ chịu? Bạn có muốn con mình sở hữu những nét chữ đầy quyến rũ đó?

Bạn cho rằng: “Thời đại kỹ thuật số, cần gì lo luyện viết chữ đẹp cho con. Gõ bàn phím nhanh đẻ ra tiền chứ cặm cụi ngồi viết chữ đẹp làm sao ra tiền?”. Trong suy nghĩ của chúng ta, việc luyện viết chữ đẹp cho con không quan trọng nữa. Thực tế thì cho con luyện viết chữ đẹp đem lại nhiều ích lợi hơn bạn tưởng đấy!

TẠI SAO VIẾT CHỮ ĐẸP LẠI QUAN TRỌNG?

Viết chữ đẹp giúp bé có nhiều lợi thế trong học hành. Ở trường, chữ viết tay xấu khiến bé kém tự tin, không dám thể hiện mình. Ngược lại, bé viết chữ đẹp sở hữu một năng khiếu đặc biệt để trổ tài với bạn bè; thầy cô. Đó cũng là điểm tựa giúp bé trở nên tự tin hơn trong học tập.

Đối với trẻ nhỏ, rèn chữ viết tay cũng là rèn não bộ. Viết tay kích hoạt não nhiều hơn bàn phím; vì nó thúc đẩy các kỹ năng vận động tinh và nhận thức phức tạp của não bộ. Viết tay góp phần kích hoạt nhận thức trực quan, rèn óc thẩm mỹ, sự sáng tạo; đồng thời giúp bé đọc trôi chảy, ghi nhớ chữ cái tốt hơn. Đặc biệt là với các bé mắc chứng khó đọc. Nhìn trang vở sạch đẹp, bạn có cảm tình và thư giãn không? Cảm giác đó giúp các bài văn, bài luận của bé luôn đạt được điểm cao trong các kỳ thi. Nếu bạn không quan trọng điểm số của con; chữ viết đẹp là cách để con bạn thể hiện sự tôn trọng đối với thầy cô và bất cứ ai tiếp nhận văn bản của bé.

Có thể sau này bé cần bàn phím chứ không cần cây bút. Nhưng 12 năm mài đũng quần nơi ghế nhà trường cùng với 4 năm nơi giảng đường đại học; chữ đẹp là lợi thế lớn, có tác động tích cực đến điểm số của bé. Nó giúp các bài viết của trẻ trở nên rõ ràng, mạch lạc; giúp bé dễ chú ý, dễ ghi nhớ và dễ học hơn.

Luyện viết chữ đẹp là luyện thói quen cẩn trọng và kỷ luật. Nắn nót từng nét chữ chỉn chu, ngay ngắn sẽ tạo thói quen suy nghĩ điềm đạm, thận trọng, kỹ càng. Luyện viết chữ đẹp cũng là luyện tâm – một tâm lý vững vàng, không nôn nóng. Nếu quan sát; bạn sẽ thấy người viết chữ đẹp có tính tình hết sức điềm đạm. Tính cách ấy được hình thành từ những thói quen rất nhỏ, rất đơn giản hàng ngày; trong đó có thói quen luyện viết chữ đẹp.
luyện viết chữ đẹp

Luyện viết chữ đẹp chính là rèn sự kiên nhẫn, tập trung và quyết tâm cao độ. Luyện chữ rất mau chán, nếu không kiên trì, bé sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Nếu bé vượt qua được sự chán nản đó, thích thú với việc rèn chữ thì bạn đã thành công. Con bạn đã sở hữu tính cách tuyệt vời của một người thành công: Sự kiên nhẫn. Vào tuổi trưởng thành, trong thời đại số; khi bạn nghĩ không cần đến chữ viết tay nữa, con bạn vẫn cần đến chữ viết tay.

Chữ viết tay là một phần trong cuộc sống hàng ngày: ghi lại danh sách mua sắm; viết thiệp sinh nhật, điền vào mẫu đơn tại ngân hàng; điền vào mẫu đơn nhập cư… Những nét chữ ngay ngắn, đẹp đẽ giúp con bạn dễ tạo được thiện cảm; và quản lý cuộc sống của mình dễ dàng hơn.

BÍ QUYẾT RÈN TRẺ VIẾT CHỮ ĐẸP

Vì sự “hot” của những nét chữ đẹp mà trung tâm luyện viết chữ đẹp không ngừng mọc lên và luôn hút khách. Về cơ bản, để có được nét chữ đẹp, con bạn cần:

1. Chọn cây bút thoải mái: Có bé thích bút chì, có bé lại thích bút mực. Một số bé thích cây bút nhỏ nhắn, bé khác lại thích thân bút lớn. Bút nào cũng được miễn là bé cảm thấy thoải mái khi cầm cây bút đó. Khi bé mới tập viết, nhiều mẹ chọn bút chì ngắn để bé dễ “xoay sở” hơn.

2. Tư thế ngồi đúng: Tư thế ngồi đúng giúp bé không bị đau lưng, mỏi cổ; vẹo cột sống, cận thị mà còn giúp cánh tay và cổ tay linh hoạt; vận động thoải mái. Tư thế ngồi đúng là: Bàn ngang tầm ngực nhưng không tì ngực vào bàn; chân rộng bằng vai, lưng thẳng, vòng tay mở thoải mái; cổ tay đặt trên bàn, tay phải cầm bút, tay trái tì nhẹ lên mép vở để giữ vở; đầu hơi cúi, mắt cách vở khoảng 1 khuỷu tay; các đầu ngón tay cách ngòi bút một khoảng 2,5 cm.

3. Cách cầm bút: Bé nên cầm bút bằng 3 ngón: ngón cái, ngón giữa và ngón trỏ. Ngón cái và ngón trỏ giữ hai bên thân bút, ngón giữa để đỡ bút. Ở các lớp học chữ đẹp, con bạn sẽ được dậy “cầm” chứ không phải “bóp cổ” cây bút. Nếu con bạn có vết lõm ở đầu ngón tay sau khi viết; con bạn đã cầm bút quá chặt. Tư thế bóp cổ” cây bút như thế sẽ gây khó khăn trong việc viết chữ. Cầm bút lỏng tay cho phép đường bút chuyển động tự do; “khai sinh” ra những con chữ có hồn.

4. Thực hành thành thạo nét chữ: Bạn đừng nôn nóng đón chờ những con chữ thẳng hàng đẹp lối. Con bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để rèn nét trước khi rèn chữ. Khi bé nắm chắc được các nét cơ bản như nét thẳng, nét xiên; nét móc, nét cong trái, cong phải; cong kín… việc ghép chữ sẽ đơn giản hơn nhiều.

5. Cùng con thực hành mỗi ngày: Trẻ có động lực và hứng thú hơn khi cả hai mẹ con cùng học viết chữ đẹp. 30 phút cùng con rèn viết chữ mỗi ngày là đủ để bé không quá mệt mỏi; ngán ngẩm và mất tập trung trong việc rèn chữ. Bạn cũng nên “chế biến” môn học dễ chán nản này thành trò chơi thú vị. Một cuộc thi viết chữ đẹp giữa mẹ và bé với giám khảo là bố chắc chắn sẽ khiến bé hứng thú hơn rất nhiều.

6. Cho bé học vẽ trước khi học viết: Vẽ là bước đầu tiên giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn; nắn nót tỉ mỉ và học cách cầm bút. Vì vậy, trước khi cho bé học viết, bạn nên cho bé học vẽ.

Ngay cả học viết rồi mà kỹ năng viết của bé chưa tốt, bạn cũng có thể cho bé học vẽ. Môn vẽ yêu thích sẽ giúp trẻ củng cố kỹ năng viết.

Bài: Xoa Nguyễn

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua